Hơn 4 tháng nay, cứ tầm 7h sáng, những người bán vé số, chạy xe ôm, bán hàng rong... lại tới một tiệm trà sữa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) để lấy những ổ bánh mì miễn phí.
Bánh mì để trong sọt, có nắp đậy để bánh nóng hổi. Nhưng bỗng một ngày, sọt bánh mì biến mất, chỉ vì…
Bánh mì miễn phí tặng những mảnh đời khó khăn. Ảnh: CTV
Đã mất tiền còn bị chửi rủa
Ông Tư chạy xe ôm thường ở đây đón khách. Ông kể chuyện sọt bánh mì đó có từ hồi đợt dịch COVID-19 bùng lại, đâu cũng hơn 4 tháng rồi. Những ổ bánh mì vàng ươm, giòn tan, nóng hôi hổi là bữa sáng quen thuộc của ông và hàng trăm người khác.
Sọt bánh mì được bưng ra vào khoảng 7h sáng mỗi ngày. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
“Sọt bánh đó của ông chủ trà sữa Huy’s kìa. Trước ở đó còn tặng khẩu trang miễn phí nữa. Ổng để sát ngoài đường, có chữ trên tấm carton đó, đại loại là bánh mì miễn phí, mỗi người 1 ổ. Bánh để đó, ai cần cứ đến lấy rồi đi, tui cũng ăn đó hoài, sáng qua lấy 1 ổ, hôm có thêm sữa, hôm có thêm chuối,… Nhưng hồi bữa, không thấy sọt bánh mì nữa, mấy người bán hàng rong đi qua tính lấy bánh mì ăn sáng mà không thấy bánh đâu, lại đi về”, ông Tư kể vậy.
Bà Bé bán vé số tặc lưỡi có bánh mì đó bà đỡ được bữa ăn sáng, có thêm tiền nuôi đứa cháu ngoại ở nhà. Nhà bà ở dưới Thủ Đức, sáng bà bắt xe buýt lên đây, đi bán vé số mưu sinh. “Ổ bánh mì 3.000, một tháng tui cũng tiết kiệm được cả trăm ngàn đó cô. Bán vé số thì hên xui, ngày hên thì cũng được mấy trăm, ngày xui thì mấy chục, không dám mua gì ăn luôn. Có ngày về nhà đói muốn xỉu”.
Có người ăn tại chỗ, có người mang đi. Ảnh: CTV.
Bà bảo thi thoảng bà cũng xin 2 ổ để đói ăn thêm, nhưng thi thoảng mới vậy thôi chớ “Ai cũng lấy 2 ổ vậy rồi người sau tới hông còn, tội lắm”.
Nhưng thực tế, không phải ai cũng ý thức như bà Bé, ông Tư. Có những người gần như ngày nào cũng tới lấy bánh mì, không chỉ lấy 1, 2 ổ mà lấy hẳn mười mấy ổ xách về. Nhân viên quán cất túi bóng đi thì họ mang túi từ nhà tới, “túi như bao tải” nhét bánh mì đầy túi rồi lỉnh kỉnh đi về.
Vài lần, nhân viên nhẹ nhàng nhắc nhở, mỗi người chỉ 1 ổ để nhường cho những người sau nhưng họ kệ. Có người lấy tận 20-30 ổ. Ban đầu tấm biển carton để cạnh bánh mì chỉ ghi 2 dòng: “Bánh mì miễn phí. Ai cần cứ lấy”. Nhưng sau đó, quản lý quán phải ghi thêm: “Mỗi người 1 ổ” mà cũng chẳng ăn thua.
Những ổ bánh mì vàng ươm, nóng hôi hổi được để sẵn. Ảnh: CTV
“Họ còn quay lại chửi bới, nguyền rủa cả tôi và nhân viên quán sấp mặt. Những người khó khăn cực kì có ý thức, họ chỉ lấy 1, 2 ổ. Tôi vẫn nhớ, có lần có bà cụ đi vào quán nói nhỏ với nhân viên rằng bà đã nhận 1 ổ, bà muốn lấy thêm 1 ổ nữa cho ông ở nhà, chúng tôi rất vui vẻ.
Trong khi những người trông rất khá giả, có người tôi biết rõ nhà ở đâu, gia đình khá như nào, vẫn xách cả bao to tới lấy bánh mang về. Tôi không biết họ lấy nhiều như vậy làm gì, ăn nhiều cũng ngán rồi bỏ, rất phí, trong khi người khó khăn thì không có. Bánh không đến được đúng người, tôi thấy ấm ức, nên quyết định dừng lại…”, Anh Bình Nguyên, chủ tiệm trà sữa Huy’s, người khởi xướng bánh mì miễn phí kể lại.
"Nhưng tôi không nỡ..."
Nói là vậy, nhưng chỉ một tuần sau, sọt bánh mì lại xuất hiện trên hè phố trước tiệm trà sữa. Anh Nguyên bảo một tuần đó cứ mỗi sáng thấy những cô chú bán vé số, chạy xe ôm, bán hàng rong,…đi ngang ngó vào vị trí để sọt bánh mì rồi lại lặng lẽ đi tiếp khiến anh không nỡ.
Anh Bình Nguyên, người khởi xướng bánh mì miễn phí tại 38 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quận Bình Thạnh.
Anh Bình Nguyên nhớ lại cuộc trò chuyện với một chị bán hàng rong ngày trước. Hôm nào ế hàng, chị ấy vào tiệm cơm nói với chủ quán rằng chị ăn chay, chị đang giảm cân để người ta bán dùm một hộp cơm không rưới nước tương lên ăn cho có sức đi tiếp. Đó là lý do anh quyết định khởi xướng bánh mì miễn phí tặng những mảnh đời khó khăn.
Tiền mua bánh mì trích từ doanh thu quán. Dịch bệnh khó khăn, doanh thu ảnh hưởng lớn nhưng anh nghĩ anh vẫn có cơm ăn, vẫn có công việc làm, vậy là vẫn còn may mắn hơn hàng trăm ngàn người khác.
Bánh mì gửi tặng những mảnh đời khó khăn. Ảnh: CTV.
“Thôi, làm được đến đâu cứ làm. Những người tham lam kệ họ. Ngày trước, tôi chuẩn bị 100 ổ với hôm sữa, hôm chuối cho các cô bác ăn đỡ ngán. Ông chủ tiệm bánh mì biết việc tôi làm nên chỉ lấy giá gốc, không lấy lãi, sau này còn tặng thêm 50 ổ bánh mì nữa, một mạnh thường quân giúp tôi 50 cái bánh nữa. Vậy là mỗi ngày sọt bánh có 200 cái. Có hôm sữa hết, tôi chưa kịp chuẩn bị thì anh chị văn phòng làm gần đây mua sữa mang qua để đó dùm. Tôi cứ làm bằng cái tâm của mình là được. Tôi mong sẽ có bánh mì thịt chả thay đổi cho các cô chú…”, anh Bình Nguyên cười.