Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ giữa năm ngoái, khi Mỹ khơi mào đánh thuế hàng Trung Quốc (TQ) nhập khẩu và TQ trả đũa. Sau gần một năm đối thoại, có lúc tưởng chừng hai bên sắp đạt được thỏa thuận nhưng rồi mọi chuyện lại rơi vào bế tắc.
Hồi tháng 5, hy vọng về một thỏa thuận thương mại chấm dứt cuộc chiến giữa hai nước đã nhen nhóm sau khi phái đoàn hai bên lạc quan về các điều khoản đã thống nhất được. Tuy nhiên, hy vọng này nhanh chóng không còn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước cho tăng thuế đánh lên hàng TQ nhập khẩu với lý do tiến trình đối thoại quá chậm chạp và TQ liên tục thay đổi các điều khoản đã thống nhất. Và TQ cũng có bước trả đũa tương tự.
Mức độ trầm trọng trong cuộc chiến thương mại hai bên càng tăng khi Mỹ gần đây siết chặt các hạn chế thương mại với Tập đoàn Huawei của TQ. Hiện hai bên chưa có lịch nối lại đối thoại chính thức, sau khi vòng đối thoại gần nhất kết thúc vào tháng 5.
Đối thoại thương mại có thể sẽ được nối lại, tuy nhiên trong một bài viết trên tờ The National Interest, nhà kinh tế học người Mỹ Greg Wright (chuyên về thương mại thế giới) nhận định cuộc thương chiến Mỹ-Trung sẽ không thể dịu sớm vì ba lý do:
Giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khoảng cách trong việc kết thúc cuộc chiến thương mại. Ảnh: REUTERS
Thứ nhất, có vấn đề trong kiểm soát các bất đồng cơ bản
Mọi cái thể hiện trong tiến trình đối thoại từ trước đến giờ cho thấy các nhà thương lượng tiến được quá ít trên con đường giải quyết các bất đồng cơ bản giữa Mỹ và TQ, theo nhà kinh tế Wright.
Trong các vấn đề cấp thiết nhất bao gồm các đặc trưng cấu trúc của kinh tế TQ mà nước này không thấy có động cơ, hoặc trong một số trường hợp là không có khả năng thay đổi. Nói một cách ngắn gọn, Mỹ cho rằng chính phủ TQ hoặc tham gia quá nhiều hoặc không tham gia đủ vào các vận hành của nền kinh tế nước mình.
Vấn đề quan trọng và lâu dài nhất là Mỹ cho rằng đà phát triển nhanh của kinh tế TQ trong những thập niên gần đây một phần nhờ vào việc trợ cấp, bảo hộ sâu rộng những công ty, tập đoàn và các ngành công nghiệp mục tiêu của mình. Mỹ muốn TQ minh bạch hơn về sự bảo hộ này cũng như giảm mức độ bảo hộ.
Bên cạnh đó, Mỹ cho rằng chính phủ TQ không mạnh tay đủ trong bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty nước ngoài ở TQ. Mỹ cho việc thực thi tác quyền ở TQ vẫn rất yếu. Các công ty Mỹ vẫn bị buộc chia sẻ công nghệ cho các đối tác TQ như một điều kiện để được làm ăn tại nước này. Mỹ tính toán những việc này làm các doanh nghiệp Mỹ mất hàng trăm tỉ USD mỗi năm.
Nhưng khả năng TQ chấm dứt bảo hộ thương mại hay tăng cường thực thi luật bảo vệ tài sản trí tuệ trong thời gian ngắn tới khó có thể xảy ra. Lý do vì điều đó sẽ khiến kinh tế TQ chậm thêm và bất cứ thay đổi nào trong chính sách cũng sẽ có rủi ro.
Về dài hạn, TQ có thể sẽ bị thuyết phục chuyển đổi kiểu mẫu kinh tế nếu nước này thấy có động cơ thích hợp. Vấn đề là liệu chính phủ Trump có đủ kiên nhẫn để thỏa hiệp các mục tiêu ngắn hạn của mình để đạt được hướng đi dài hạn này không.
Thứ hai, không cân đối giữa “cây gậy” và “cà rốt”
Theo nhà kinh tế Wright, quan điểm thương lượng của Mỹ dựa quá nhiều vào “cây gậy” mà quá ít vào “cà rốt”.
Thậm chí trước cuộc thương chiến, các công ty TQ đã đối mặt với các khoản thuế lớn khi xuất khẩu hàng sang Mỹ, một số được Mỹ áp vào thời điểm trước khi TQ tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001. Và một điều quan trọng nữa là việc đánh thuế này có khả năng sẽ không được bỏ, bất kể kết quả đối thoại thế nào.
Một phần nhiều các khoản đánh thuế này được biết đến với cách gọi “thuế chống bán phá giá”, áp dụng khi một sản phẩm được bán ở Mỹ với giá được xác định là quá thấp. Các khoản thuế này gần như cao gấp đôi các khoản thuế mà chính quyền Trump áp dụng với TQ trong cuộc chiến thương mại hiện tại.
TQ sẽ không nhân nhượng áp lực của Mỹ, nhất là khi mình đã phải chịu những khoản thuế lớn lại vừa không có khả năng thương lượng này.
Vì thế, theo nhà kinh tế Wright, trừ phi Mỹ quyết định chìa ra một ít cà rốt với TQ, như giảm thuế, còn không thì không nghi ngờ gì đối thoại thương mại sẽ còn bị mắc kẹt, hoặc nếu có tiếp tục thì cũng không đạt nhiều kết quả.
Vấn đề quan trọng và lâu dài nhất là Mỹ cho rằng đà phát triển nhanh của kinh tế TQ trong những thập niên gần đây một phần nhờ vào việc trợ cấp, bảo hộ sâu rộng những công ty, tập đoàn và các ngành công nghiệp mục tiêu của mình. Mỹ muốn TQ minh bạch hơn về sự bảo hộ này cũng như giảm mức độ bảo hộ. Nhà kinh tế học Mỹ GREG WRIGHT |
Thứ ba, nhiều tổn thất đồng nghĩa ít thắng lợi
Tổn thất từ cuộc chiến thương mại đến lúc này đã rất cao nhưng có thể sẽ còn cao hơn. Và điều này có thể làm giảm khả năng chấm dứt cuộc chiến.
Thời điểm này, người tiêu dùng có thể chưa nhận ra tác động của cuộc chiến thuế quan giữa hai nước vì việc đánh thuế này trải dài khắp hàng ngàn mặt hàng, cũng như nhờ các công ty Mỹ phản ứng, điều chỉnh để duy trì cạnh tranh. Tuy nhiên, dù thế nào cuộc chiến thuế quan này cũng khiến mỗi người dân Mỹ mất khoảng 11 USD/tháng, theo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Dự trữ New York và hai đại học Columbia và Princeton.
Dù có thể chưa cảm nhận tổn thất từ những đợt đánh thuế trước mà Mỹ áp lên hàng TQ nhưng khả năng lớn người dân Mỹ sẽ cảm nhận được tác động của đợt tăng thuế từ 10% lên 25% mà ông Trump áp lên 200 tỉ USD hàng TQ hồi tháng 5. Ông Trump còn nói ông có kế hoạch sẽ đánh thuế toàn bộ mặt hàng TQ nhập vào Mỹ trong vài tháng tới nếu hai bên không thống nhất được thỏa thuận.
Với việc dồn dập đánh thuế từ phía Mỹ thế này càng cấp thiết phải có sự nhượng bộ lớn hơn từ TQ. Nhưng khả năng này cũng ngày càng trở nên khó xảy ra. Đây là lý do chính mà các nhà kinh tế gần như đồng lòng thống nhất rằng các cuộc chiến thương mại không phải “dễ thắng” như lời ông Trump từng nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào tuần tới, trong đó cuộc thương chiến giữa hai bên là một nội dung nổi trội được bàn luận. Hãng Reuters dẫn truyền thông TQ nhận định hai bên khó có thể giải quyết bất đồng lập tức nhưng đây có thể là bắt đầu cho một giai đoạn mới của các cuộc đàm phán. |