Sáng nay (30-10), sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, các đại biểu bắt đầu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: "Nhiều khi tăng biên chế là để con em lãnh đạo sau này về làm việc".
"Nồi cơm Thạch Sanh" cũng không nuôi nổi
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) sau khi đồng ý với báo cáo giám sát của QH đã đặt hàng loạt câu hỏi: “Vì sao tinh giản biên chế năm năm mà biên chế vẫn tăng? Vì sao tinh giản mà các cục, vụ, viện vẫn tăng lên? Vì sao một số bộ số lượng thứ trưởng vẫn nhiều, sai quy định, có bộ vượt lên chín thứ trưởng? Vì sao vẫn tồn tại chức danh “hàm vụ trưởng”?”.
Đáng lưu ý, đại biểu Phương cho rằng nhiều cơ quan vi phạm các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mà “không cơ quan nào bị phê bình, nhắc nhở!”.
Lấy lực lượng y tế học đường làm ví dụ, đại biểu Phương cho rằng: “Các trường học hiện rất cần giáo viên nhưng y tế học đường chiếm mất nhiều biên chế. Nếu trường học gần trạm xá, bệnh viện thì có cần y tế học đường không?”.
Theo đại biểu Phương, khi đi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho hay có nhiều trường học “không thích” y tế học đường có biên chế. Bởi có nhiều khi không cần bộ phận này. Và tình trạng đó, theo đại biểu Phương, “vô tình tạo ra số lượng cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Đặc biệt, đại biểu Phương nêu tình trạng tăng biên chế để cho con em lãnh đạo các địa phương khi ra trường có việc làm.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa: "Nhiều bộ giải tán cấp phòng nhưng thực chất là nâng phòng thành cục".
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định việc phình to của bộ máy hành chính có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Lấy Nghị định 55/2011 về công tác pháp chế làm ví dụ, đại biểu Hoa cho rằng nghị định này khiến cho các bộ, địa phương đều thành lập các vụ, phòng pháp chế và biên chế lên tới hơn 5.000 người.
“Với cách thức đó thì không thể kiểm soát được tình trạng tăng đầu mối, biên chế” - đại biểu Hoa nói.
Mặt khác, đại biểu Hoa còn cho rằng các bộ hiện nay vẫn theo mô hình truyền thống, có các tổng cục, cục, vụ… Đáng nói, sau khi có quy định không thành lập các phòng trong cục, vụ thì một số bộ bề ngoài là giải tán các phòng nhưng thực chất là lại nâng phòng đó lên thành cục.
Về tình trạng này, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) tha thiết: “Xin hãy để “khắc nhập, khắc xuất” mãi là cổ tích trong truyện Cây tre trăm đốt chứ không phải là tình trạng của việc chia tách, sáp nhập các cơ quan nhà nước”. Bởi theo đại biểu Lâm, vấn đề chia tách, sáp nhập các cơ quan nhà nước hiện nay khá tùy tiện và đó là nguyên nhân khiến bộ máy phình to.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) thì nhận định: “Ngân sách có thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó nuôi được bộ máy cồng kềnh hiện nay”.
"Nhẹ trên, nặng dưới"
Một trong những nguyên nhân của tình trạng phình to bộ máy, báo cáo giám sát đưa nguyên nhân về nhận thức của cấp ủy và người đứng đầu chưa cao. Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị: “Nếu nhận thức chưa đầy đủ thì phải cho lãnh đạo đi đào tạo lại”.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân: "Nếu do nhận thức chưa đầy đủ về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế... thì cho lãnh đạo đi đào tạo lại".
Cũng theo đại biểu Vân, một trong những vấn đề còn tồn tại trong tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là “nhẹ trên, nặng dưới”. Điều này tương tự như việc áp dụng pháp luật. “Cử tri và các vị lão thành rất bức xúc khi những sai phạm của cán bộ được coi là rất nghiêm trọng nhưng chưa truy được trách nhiệm pháp lý” - đại biểu Vân nói.
Hơn nữa, đại biểu Vân cho rằng tình trạng đề bạt, bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, sai quy trình vẫn xảy ra nhưng xử lý thì chưa tới nơi tới chốn. “Việc xử lý vẫn tương tự như “phạt cho tồn tại” như trong lĩnh vực xây dựng. Tôi cho rằng cần phải xử lý cả người bổ nhiệm và được bổ nhiệm chứ không chỉ như hiện nay” - đại biểu Vân nói.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng chung nhận định với các đại biểu khác. Nhưng ông Sơn kêu gọi người dân hãy vào cuộc cùng Nhà nước trong nhiệm vụ rất quan trọng này. “Người dân hãy vào cuộc, hãy chung tay với Nhà nước chứ đừng ngồi than trách” - đại biểu Sơn nói.