Cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (trái) và cựu thủ tướng Lý Bằng. Ảnh: AFP |
Trong suốt gần 20 năm qua, các thẩm phán Tây Ban Nha căn cứ theo luật hình sự quốc tế, từng khởi kiện các lãnh đạo quân sự Argentina, quan chức quốc phòng Israel và binh sĩ Mỹ, với tội danh vi phạm nhân quyền.
Vụ án nổi tiếng nhất là việc thẩm phán Baltasar Garzon năm 1998 ra lệnh bắt cựu độc tài Chile Augusto Pinochet, khi ông này đang sống lưu vong ở London. Giới chức Anh bắt giữ Pinochet, nhưng từ chối dẫn độ đến Tây Ban Nha. Cựu độc tài này sau đó được trả tự do và thả về Chile, với lý do sức khỏe yếu.
Vụ việc đình đám gần đây nhất là Tòa án dân sự tối cao Tây Ban Nha hôm 10/2 ra lệnh truy nã quốc tế 5 cựu quan chức Trung Quốc, trong đó có chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu thủ tướng Lý Bằng, vì cho rằng họ phạm tội với người Tây Tạng. Tháng 11/2013, tòa án này cũng ra phán quyết tương tự.
Hệ thống luật pháp Tây Ban Nha thừa nhận nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát", theo đó tòa án nước này được phép khởi tố bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, kể cả người nước ngoài, nếu như bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền.
Tổ chức Ân xá Quốc tế coi nguyên tắc trên là "công cụ không thể thiếu" trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền. Trong khi đó, những người mang quan điểm phản đối cho rằng, đây là sự vi phạm nguyên tắc chủ quyền quốc gia.
Theo Giáo sư luật quốc tế Peter Spiro thuộc đại học Temple, nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát" rất quan trọng nhưng tính khả thi lại có hạn, bởi việc mở rộng phạm vi áp dụng không tỷ lệ thuận với khả năng đạt được đồng thuận chính trị.
"Bất kỳ ai chịu lệnh bắt giữ quốc tế này đều coi đây là một phiền toái không thể chối cãi. Ngoài ra, nó còn gây ra những rắc rối ngoại giao khó dự đoán", bình luận viên Jim Yardley của tờ New York Times cho biết.
Hai lệnh bắt trên đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua tuyên bố: "Trung Quốc bất bình sâu sắc và kiên quyết phản đối các cơ quan hữu quan của Tây Ban Nha đã có hành vi sai trái, bất chấp lập trường nghiêm túc của chúng tôi".
Trước khi lệnh bắt trên được đưa ra, bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/2 từng yêu cầu chính phủ Tây Ban Nha chấm dứt các hành động tố tụng với các cựu lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng.
Sức ép từ các cường quốc
Thẩm phánBaltasar Garzon, người mất chức năm 2010 vì cổ súy cho nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát". Ảnh: Reuters |
Quốc hội Tây Ban Nha cũng đang xem xét dự luật hạn chế quyền khởi tố của tòa án nước này với các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Dự luật này do đảng Nhân dân cầm quyền đệ trình vào hồi tháng 1.
Tuy nhiên, việc cơ quan lập pháp Tây Ban Nha quyết định xem xét lại nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát" sau khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh, khiến nhiều người cho rằng giới chức nước này quá "nhún nhường" trước đối tác thương mại quan trọng.
"Có lẽ quan điểm này là chính xác", ông Ramon Jauregui, nghị sĩ đảng Xã hội đối lập, bình luận, với ý ám chỉ sự nhún nhường nói trên. Ông là người phản đối dự luật sửa đổi trên.
Cũng giống như nhiều nước châu Âu, Tây Ban Nha đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Bắc Kinh hiện nắm giữ một lượng lớn trái phiếu chính phủ nước này. Và thị trường Trung Quốc rộng lớn là điểm đến quan trọng, đầy tiềm năng của ngành công nghiệp thực phẩm và rượu vang Tây Ban Nha.
"Trung Quốc rất quan trọng với Tây Ban Nha và ngày càng trở nên quan trọng hơn nữa. Chúng tôi đều rất mong muốn tiến vào thị trường Trung Quốc", chuyên gia phân tích cao cấp Miguel Otero thuộc Viện nghiên cứu Hoàng gia Elcano cho biết.
Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất bị các thẩm phán Tây Ban Nha "chọc giận". Mỹ và Israel đều từng gây sức ép ngoại giao nhằm buộc Madrid dừng các cuộc điều tra và khởi tố tương tự.
Căn cứ theo các tài liệu ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ năm 2010, trước sức ép của Mỹ, chính phủ Tây Ban Nha do đảng Xã hội cầm quyền buộc phải hạn chế luật định liên quan, từ đó hủy bỏ các quyết định khởi tố liên quan đến chiến tranh Iraq, nhà tù Guantanamo và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Quyết định trên khiến dư luận Tây Ban Nha chỉ trích chính phủ chỉ dám cho phép khởi tố các nghi can đến từ các quốc gia nhỏ, mà không dám đối kháng cường quốc.
Dự luật hạn chế đang được thảo luận tại quốc hội nước này sẽ vô hiệu hóa nguyên tắc "thẩm quyền phổ quát". Theo đó, tòa án chỉ được phép khởi tố các nghi phạm nhân quyền là người mang quốc tịch Tây Ban Nha, người nước ngoài đang sinh sống tại Tây Ban Nha, hoặc người nước ngoài đang sống tại quốc gia này và bị giới chức Tây Ban Nha từ chối dẫn độ.
"Họ đang tìm cách loại bỏ nguyên tắc'thẩm quyền phổ quát'. Đây chính là mục đích của họ. Họ chưa bao giờ có niềm tin vào nó", thẩm phán Garzon cho biết. Ông bị tước chức vụ thẩm phán năm 2010 vì tích cực cổ súy cho nguyên tắc này.
Bản thân Madrid cũng đang là bị cáo trong một vụ việc tương tự. Một thẩm phán Argentina đang khởi kiện chính quyền của cựu độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco vì gây ra tội ác chiến tranh. Các lãnh đạo đảng Nhân dân cầm quyền từng tỏ thái độ phản đối quyết liệt.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sức ép ngoại giao từ Trung Quốc là dịp để đảng Nhân dân đưa ra thảo luận và thông qua dự luật trên, bởi đảng này đang chiếm đa số trong quốc hội.
"Đây là một sự thay đổi cần thiết", ông Jose Miguel Castillo Calvin, nghị sĩ đảng Nhân dân, cho biết. "Xin hãy nhớ cho rằng, thẩm quyền phổ quát không phải vô điều kiện".
Theo Đức Dương (New York Times/VNE)