Tên lửa Musudan
Nhưng vụ phóng thử tên lửa mà các nhà quan sát nước ngoài đang theo dõi thì vẫn không thấy có động tĩnh gì.
Theo dự đoán của Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên đáng lẽ sẽ phóng thử tên lửa vào dịp kỷ niệm quan trọng như mọi lần.
Tuy nhiên, ngày lễ kỷ niệm 101 ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành hôm 15/4 đã diễn ra trong bầu không khí vui tươi, tôn kính mà không có vụ nổ nào được phát hiện.
Một quan chức Mỹ nói rằng quân đội Mỹ nghĩ là vụ phóng thử tên lửa tầm trung Musudan có thể vào trước hoặc sau ngày 15/4 nhưng ông cũng nói thêm là Mỹ vẫn cho rằng vụ phóng có thể xảy rất kỳ lúc nào trong tháng này.
Các nhà quan sát nước ngoài trước đó giả định vụ phóng tên lửa sẽ gắn liền với kỷ niệm ngày sinh lãnh tụ Triều Tiên, do đó, vụ thử có thể diễn ra trước ngày 15/4. Rất nhiều người đã từ chối phỏng đoán thời điểm của vụ thử vì Bình Nhưỡng nhiều khi có hành động bất ngờ ngoài dự đoán.
Hàn Quốc nói rằng họ vẫn trông chừng vụ phóng tên lửa có thể diễn ra bất cứ lúc nào, và họ lấy làm tiếc vì Bình Nhưỡng đã khước từ đề xuất đối thoại vào tuần trước. Seoul nói rằng đề xuất đó vẫn còn để ngỏ.
Vậy tại sao giờ này Triều Tiên vẫn chưa cho khai hỏa tên lửa?
Trước tiên, cần phải nhớ rằng hầu hết các quan chức và chuyên gia Mỹ về vấn đề Triều Tiên đều sử dụng cụm từ 'vào khoảng' khi nói về thời điểm phóng thử tên lửa - cụ thể, họ nói là 'vào khoảng ngày 15/4.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh phát hiện ra các vật thể trông giống tên lửa Musudan được di chuyển về phía bờ biển phía đông của Triều Tiên, một số nguồn tin còn nói rằng ít nhất một trong số các quả tên lửa đã được lắp lên bệ phóng di động.
Bình Nhưỡng luôn tổ chức tập trận quân sự, diễu binh và phô trương lực lượng vào giáp thời điểm kỷ niệm sinh nhật lãnh tụ. Nhưng "ngày của Mặt trời" tức 15/4 không phải là thời điểm 'chốt lịch' mà mọi sự kiện buộc phải diễn ra vào ngày này.
Một lý giải đơn giản cho điều này chính là người dân Triều Tiên nói chung và các lãnh đạo của họ nói riêng đều muốn tận hưởng ngày lễ hội. Chuyên gia Daniel Pinkston thuộc Nhóm khủng hoảng Quốc tế ở Đông Á là người đưa ra giả định này.
"Có quá nhiều người sẽ phải làm việc khi tiến hành thử nghiệm tên lửa, đặc biệt là những người ở vị trí cấp cao vì họ còn có các trách nhiệm và ưu tiên khác trong ngày lễ hội. Tính tượng trưng của sự kiện rất quan trọng, họ có các trọng trách mang tính lễ nghi, và họ muốn có vài ngày được nghỉ ngơi". - ông Pinkston nói.
Thậm chí, Pinkston còn đặt cược rằng 95% là vụ thử tên lửa sẽ không diễn ra trong ngày sinh nhật lãnh tụ Triều Tiên. Đây là một sự kiện có thể lên lịch vào bất cứ lúc nào.
Triều Tiên cũng không hề muốn diễu binh quân đội với toàn lực lượng vào 'ngày của Mặt trời'. Trước đó, những màn trình diễn này thường có các vũ khí bao gồm các loại tên lửa, hoặc mô hình tên lửa mới nhất.
Trên thực tế, có một lý do giải thích cho việc thử tên lửa lại trở nên rất quan trọng. Tên lửa Musudan là tên lửa tầm trung, chưa từng thử nghiệm lần nào, về lý thuyết được cho là có thể bắn tới Nhật và thậm chí tới căn cứ Mỹ tại Guam.
Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ lại tranh cãi về tầm bắn của tên lửa này, họ còn coi tên lửa này chẳng qua chỉ là loại Scud tầm ngắn và đã được cải thiện đôi chút.
Một vụ phóng thử tên lửa có thể giải đáp các thắc mắc này.
Cũng có khả năng là Bình Nhưỡng chưa quyết định khai hỏa tên lửa Musudan vì căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn rất nghiêm trọng và Mỹ công khai thảo luận việc có nên bắn hạ tên lửa này không nếu như nó bay quá gần Nhật Bản.
Nếu trong trường hợp này, Triều Tiên có thể sẽ chờ tới khi căng thẳng giảm dần rồi mới hành động.
Còn Bộ trưởng Hàn Quốc Kim Kwan-jin vẫn rất thận trọng khi nói rằng vụ phóng tên lửa này có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nhưng ông nói thêm là Seoul không phát hiện ra bất kỳ động thái di chuyển quân sự nào hoặc các dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực.
Theo Lê Thu (VNN / AP/CSM)