|
Moscow và Bắc Kinh là đồng minh tại Liên Hiệp Quốc và là đối trọng đối với sự thống trị của phương Tây trong các vấn đề về đối ngoại quốc tế ở thập niên vừa qua, South China Morning Post, nhật báo có trụ sở đặt tại Hồng Kông, bình luận.
Trung Quốc là thành viên duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không ủng hộ cho nghị quyết lên án việc Nga sáp nhập Crimea trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng sự hậu thuẫn dành cho Moscow của Bắc Kinh vẫn còn hạn chế.
“Một mặt thì sự can thiệp của Nga vào Ukraine đi ngược với cam kết lâu nay của Trung Quốc về việc không vi phạm toàn vẹn lãnh thổ”, South China Morning Post dẫn lời ông Benjamin Herscovitch, một nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu Độc lập của Úc, nhận định.
“Mặt khác thì việc Moscow phớt lờ chỉ trích của Washington lại khiến Bắc Kinh hài lòng”, ông Herscovitch nói.
Giới quan sát cũng đánh giá rằng có một lý do khiến Bắc Kinh hạn chế ủng hộ sự can thiệp của Moscow vào Ukraine, đó là điều này có thể cho các cường quốc thế giới một cái cớ để can thiệp vào nội bộ Trung Quốc trong tương lai. Trung Quốc hiện đang kiểm soát chặt Tân Cương và Tây Tạng.
“Trung Quốc tỏ ra không nhất quán đối với cuộc trưng cầu dân ý về đề xuất sáp nhập vào Nga của Crimea vì nước này không thấy thoải mái đối với các tác động tiềm tàng có thể xảy ra cho các vấn đề về lãnh thổ và về cộng đồng người thiểu số của riêng mình”, ông Chengxin Pan, một chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Úc, nói.
Mặt khác, một số nhà ngoại giao Trung Quốc xem khủng hoảng Ukraine là một dịp để cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, tương tự như vụ khủng bố 11.9.
Quan điểm “diều hâu” của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã xuống thang sau khi sự kiện này diễn ra.
Tại thời điểm đó, Washington cần Bắc Kinh ủng hộ cho các đề xuất của nước này tại Hội đồng Bảo an và sau đó là cho kế hoạch can thiệp vào Afghanistan.
Ngoài ra, đối với một số nhà hoạch định chiến lược tại Trung Quốc, việc Nga sáp nhập Crimea cản trở quyền lợi đang gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này, theo South China Morning Post.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc, chứ không phải Nga, nắm vai trò là đại diện nước ngoài lớn nhất tại Trung Á thông qua các thỏa thuận về năng lượng, dầu mỏ, đường ống dẫn khí đốt và vốn đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Turkmenistan và Kazakhstan, đối tác giao thương lớn thứ 2 của Uzbekistan và Kyrgyzstan. Đang nắm giữ lợi ích quá lớn nói trên, Trung Quốc rất muốn duy trì hòa bình tại khu vực để nước này có thể yên ổn làm ăn và đảm bảo được nguồn cung năng lượng.
Câu hỏi Trung Quốc cuối cùng sẽ ngả về phía nào đã trở thành trọng tâm trong khủng hoảng tại Ukraine, theo South China Morning Post.
Khi khủng hoảng nổ ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ráo riết tìm cách liên lạc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng sách lược đối với Kiev của Bắc Kinh cho đến nay vẫn là đứng ngoài quan sát.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) không có lợi cho Trung Quốc. Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được sản xuất tại Ukraine và các công ty Ukraine vẫn đang giúp bảo trì động cơ chiến đấu cơ Trung Quốc.
Vì vậy, nếu Ukraine gia nhập EU và NATO, nước này sẽ phải tuân thủ quy định cấm bán vũ khí cho Trung Quốc.
Hoàng Uy