Những chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc triển khai Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy vai trò đặc biệt của vùng đối với chiến lược phát triển quốc gia.
Khái niệm vùng Đông Nam bộ được nhắc đến nhiều năm nay không chỉ mang ý nghĩa một thực thể văn hóa - địa lý có đặc tính riêng biệt, mà còn là một khu vực kinh tế - xã hội có tính tương hỗ, liên kết cao. Thực thể này dựa trên nền tảng tự nhiên với kết cấu địa lý đồng bộ, yếu tố lịch sử và quá trình xây dựng, thực hiện chính sách.
Mức đóng góp 32% GDP, thu nhập bình quân đầu người cao nhất, thu hút hơn 40% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước đủ cho thấy vai trò quan trọng của khu vực với TP.HCM là hạt nhân này. Thế nhưng, như đánh giá của Tổng bí thư, việc phát triển của vùng Đông Nam bộ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Có nhiều cách lý giải cho vấn đề này.
Khi nhắc đến khái niệm “vùng” là nhắc đến một khu vực thống nhất, có sự kết hợp hài hòa, tương hỗ. Các địa phương trong vùng vừa độc lập vừa gắn kết. Vậy nhưng, hiện nay ngoài định hướng phát triển và quy hoạch mang tính tổng thể có dấu ấn liên kết vùng, vẫn xuất hiện những hiện tượng cho thấy việc phối hợp giữa các địa phương chưa thật đồng bộ. Chẳng hạn, một con đường khi ở Bình Dương thì lớn, khi về TP.HCM thì nhỏ đi vì điều kiện thực tế và nhu cầu kết nối mỗi nơi mỗi khác. Việc phân bổ quy hoạch khu vực phát triển công nghệ cao và công nghiệp thâm dụng lao động chưa thể hiện rõ dấu ấn liên kết vùng, vẫn còn mang nhiều yếu tố địa phương…
Định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, thậm chí xây dựng nơi đây thành TP tài chính; xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM; nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại Tây Ninh, Bình Phước… khẳng định tầm nhìn liên kết vùng. Với chiến lược này, mỗi địa phương được phát huy thế mạnh, phối hợp cùng nhau để tạo nên chuỗi giá trị của cả vùng.
Chiến lược này đòi hỏi một cơ chế hiệu quả để thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn của cả vùng.
Chẳng hạn như trong điều kiện này, việc thành lập hội đồng vùng có đủ thẩm quyền, chức năng để kết nối cả vùng, vừa đảm bảo quyền hạn của mỗi địa phương vừa thực hiện các quyết sách mang tính bao trùm được xem là một giải pháp cần tính toán sớm cho Đông Nam bộ.
Thực tiễn đòi hỏi một tổ chức như hội đồng vùng có quyền hạn quyết định quy hoạch, điều phối ngân sách, thẩm định các dự án lớn. Để thực hiện vai trò, nhiệm vụ của khu vực kinh tế năng động Đông Nam bộ, sự sáng tạo về mặt cơ chế dựa trên các quy định hiện hành và sự tham khảo mô hình của thế giới là rất cần thiết.