Viên chức dân số tủi thân vì bị “bỏ quên”

(PLO)- Nhiều viên chức y tế phụ trách công tác dân số tại cơ sở tủi thân với chế độ phụ cấp ưu đãi, trong khi việc chống dịch thì cơ cực như nhau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Viên chức dân số tủi thân vì bị “bỏ quên”

Nhiều cán bộ dân số phường, xã ở Nghệ An, Gia Lai... phản ánh họ cảm thấy tủi thân khi không được thụ hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 05/2003 ngày 15-2-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Bị “bỏ quên” về phụ cấp ưu đãi theo nghề, một số viên chức y tế phụ trách công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở Nghệ An đã viết “tâm thư” gửi cơ quan chức năng. Sở Y tế tỉnh Nghệ An có công văn kiến nghị lên Bộ Y tế về vấn đề này.

Cán bộ dân số Trạm y tế xã Ia Ko tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: LÊ KIẾN

Cán bộ dân số Trạm y tế xã Ia Ko tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ảnh: LÊ KIẾN

Viên chức dân số ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: ĐẮC LAM

Viên chức dân số ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Ảnh: ĐẮC LAM

“Chúng tôi tủi thân và buồn lắm”

“Mỗi trạm y tế xã có 5-6 người cùng làm việc, cùng chống dịch COVID-19 nhưng bây giờ đồng nghiệp ngồi tính phụ cấp, người này hỏi người kia được bao nhiêu tiền thì viên chức dân số đi ra ngoài, khóc. Họ buồn và tủi thân. Cùng một cơ quan, một bảng lương nhưng viên chức dân số lại không được tăng chế độ phụ cấp ưu đãi” - chị Nguyễn Thị Tâm, Trưởng phòng Dân số huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, nói.

Theo chị Tâm, hai năm trước viên chức 33 xã, thị trấn cũng như phòng Dân số trong thời gian chống dịch COVID-19 là lực lượng trực tiếp tham gia từ đầu đến cuối chứ không phải huy động. Ban đầu viên chức dân số nhập dữ liệu, sau đó thiếu nhân lực họ cũng đi lấy mẫu, vận chuyển mẫu, khử khuẩn… tham gia tất cả các khâu trong phòng, chống dịch, thậm chí họ ở lại trạm y tế trực, không về nhà.

“Có người đi lấy mẫu bị tai nạn gãy chân, có người sẩy thai. Không chỉ viên chức y tế, bộ phận kế toán và tài xế của trung tâm y tế cũng bị bỏ quên. Họ cũng cống hiến và hy sinh thầm lặng nhưng theo Nghị định 05, họ chưa được ghi nhận và tri ân” - chị Tâm nói.

“Để đảm bảo sự công bằng, động viên, tôi nghĩ cần bổ sung ưu đãi cho cán bộ dân số trong Nghị định 05.”

Chị Nguyễn Thị Ánh, viên chức dân số của Trạm y tế xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho biết: “Lúc dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi cũng làm ở tuyến đầu, cũng xa nhà trực chốt, đi truy vết các F, đi tuyên truyền, lấy mẫu… Nhưng đội ngũ viên chức dân số vẫn giữ nguyên phụ cấp 30%, chúng tôi cảm thấy bất công”.

Bà Nguyễn Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Ia Ko (huyện Chư Sê, Gia Lai), cũng cho biết: “Trong hai năm bùng phát dịch COVID-19, cùng với viên chức y tế, viên chức phụ trách dân số của trạm luôn tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, làm vì trách nhiệm chứ không nghĩ gì. Viên chức dân số cũng tham gia làm việc như một viên chức y tế. Trong khi Nghị định 05 lại thiếu chế độ phụ cấp ưu đãi cho viên chức dân số ở cơ sở là một thiệt thòi.

Để đảm bảo sự công bằng, động viên, tôi nghĩ cần bổ sung ưu đãi cho viên chức dân số trong Nghị định 05. Nếu không được ưu đãi phụ cấp 100% thì cũng phải được 70%”.

Chị Nguyễn Thị Kiều Tiên (34 tuổi, cán bộ dân số Trạm y tế xã Ia Ko) bày tỏ: “Tôi mong cấp trên xem xét hỗ trợ bởi trong hai năm diễn ra dịch COVID-19, tôi thường xuyên cùng cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch, có thời điểm phải cách ly xa nhà nhiều ngày. Trong khi hai con nhỏ 4-6 tuổi phải gửi người thân chăm sóc”.

Khi tham mưu để xây dựng Nghị định 05, nếu họ đi sâu, đi sát xuống tận cơ sở biết rằng lực lượng dân số tham gia chống dịch như một y tế thực thụ thì sẽ tham mưu trúng hơn.

Chị NGUYỄN THỊ TÂM, Trưởng phòng Dân số huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

Kiến nghị xem xét, có giải pháp thỏa đáng

Trước thực trạng trên, Công đoàn Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã có văn bản gửi công đoàn ngành, MTTQ kiến nghị việc xem xét chế độ phụ cấp ưu đãi cho viên chức làm công tác dân số.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, vừa ký công văn gửi Bộ Y tế và Vụ Tổ chức cán bộ về thực hiện Nghị định 05. Theo đó, Sở Y tế tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Y tế quan tâm, xem xét để cán bộ dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe, các cán bộ ở bộ phận gián tiếp làm việc ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các đơn vị y tế cơ sở được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 05 vì: “Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, các đơn vị là thường trực lực lượng tuyến đầu chống dịch, những cán bộ trên đều được huy động, phân công tham gia vào công tác phòng, chống dịch thường xuyên. Họ trực tiếp xông pha nơi tuyến đầu cả vào những thời điểm cam go nhất, đã cùng đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế làm việc không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ, không sợ hiểm nguy trong môi trường có nguy cơ cao về lây nhiễm để cố gắng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thành công”.

Tại kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh Nghệ An, bà Võ Thị Minh Sinh, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, đã đề nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét, có giải pháp thỏa đáng, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách giữa viên chức y tế và viên chức dân số, liên quan đến thực hiện Nghị định 05.

Trước bất cập từ Nghị định 05, tương tự Nghệ An, nhiều tỉnh, thành như Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc... đã đồng loạt lên tiếng và có văn bản kiến nghị gửi Bộ Y tế. Thông tin về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết đã tiếp nhận thông tin và cũng đã gửi các đơn vị có liên quan để xử lý sớm vụ việc.

Với những tâm tư của đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở và các kiến nghị từ địa phương, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cũng cho biết: Tất cả vấn đề liên quan đến Nghị định 05/2023, chúng tôi đang ghi nhận và tổng hợp các ý kiến của viên chức làm công tác dân số ở các tỉnh, thành. Sau đó, chúng tôi sẽ tham mưu cho cơ quan chức năng để xem xét, nghiên cứu phù hợp với tình hình thực tiễn.•

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1-1-2022 đến hết 31-12-2023, từ 40% đến 70% lên 100% trong hai năm, 2022 và 2023. Còn đội ngũ viên chức y tế được giao phụ trách công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình không được tăng, mức hưởng như cũ (30%) theo Nghị định 56/2011.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm