TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp về tiền lương, bồi thường thiệt hại và chấm dứt hợp đồng làm việc giữa ông VVC (ngụ TP.HCM) và bị đơn là Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng (đóng tại quận 7, TP.HCM).
Cho nghỉ việc theo nguyện vọng
HĐXX bác kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm của ông C., tuyên y án sơ thẩm. Trước đó, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm đã tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông C…
Theo đơn khởi kiện, năm 2011, ông C. thi đỗ kỳ thi viên chức vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng và được ký hợp đồng làm việc đến năm 2013.
Sau đó ông C. có đơn xin chuyển công tác, nhà trường chuyển ông làm viên chức giảng dạy tại Khoa khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với ông. Một thời gian sau, ông C. lại xin chuyển về công tác tại một trường trung cấp. Trước yêu cầu này, bị đơn thực hiện đúng nguyện vọng của ông C…
Ngày 13-7-2018, ông C. nộp đơn xin nghỉ việc không lương, trường ký quyết định thực hiện theo yêu cầu của ông. Đầu năm 2019, ông C. nhận được quyết định của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chấm dứt hợp đồng làm việc với ông.
Sau đó, ông C. cho rằng quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc của trường là trái pháp luật nên khởi kiện yêu cầu bị đơn phải bồi thường các khoản tổng cộng hơn 700 triệu đồng.
Tại phiên phúc thẩm, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng không đồng ý với kháng cáo hủy án sơ thẩm của ông C., đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm. Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm.
Bị đơn làm đúng luật
HĐXX phúc thẩm cho rằng: Theo quy định tại khoản 1 điều 3 trong hợp đồng làm việc không xác định thời hạn về việc quyền lợi của viên chức quy định có quyền đề xuất, khiếu nại, thay đổi, đề nghị chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Nguyên đơn đã hai lần gửi đơn nguyện vọng chấm dứt hợp đồng làm việc, nội dung đơn lần hai trình bày có nguyện vọng nghỉ việc. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã áp dụng Nghị định 29 ngày 12-4-2012 quy định việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức. Vì vậy, trường chấm dứt hợp đồng làm việc của ông C. là không trái pháp luật.
HĐXX xét Luật Viên chức năm 2012 thấy trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một trong các bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cáo cho bên kia biết trước ba ngày làm việc.
Các bên phải thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, nếu không thỏa thuận được thì tiếp tục làm việc hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc. Vậy trong thời gian ông C. đang nghỉ bệnh không hưởng lương đã có đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng làm việc và nhiều lần thể hiện việc này cho thấy ý chí, nguyện vọng của nguyên đơn là tự nguyện.
Mặt khác, hợp đồng lao động không có điều, khoản thỏa thuận, nguyên đơn cũng không đưa ra tài liệu, chứng cứ chứng minh việc này. Vì vậy, bị đơn thực hiện chấm dứt hợp đồng làm việc theo nguyện vọng của ông C. là có căn cứ.
Từ những căn cứ trên, HĐXX xét thấy có đủ cơ sở cho thấy quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc của bị đơn là đúng pháp luật, đồng nghĩa việc yêu cầu khởi kiện của ông C. là không có căn cứ. HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của ông C., giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh.
Lập luận của nguyên đơn Ông C. cho rằng việc chấm dứt hợp đồng làm việc là đề nghị có điều kiện, bởi ông và hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng có thỏa thuận hai điểm trong hợp đồng. Từ đó, nguyên đơn đề nghị áp dụng khoản 1 điều 3 của hợp đồng lao động không xác định thời hạn và các điều, khoản trong Luật Viên chức đề nghị bị đơn chấm dứt hợp đồng và phải bồi thường cho mình. |