Viện Kiểm sát Cấp cao rút kinh nghiệm cách xác định sai về án tích

(PLO)- Bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng khi dưới 18 tuổi nên được coi là không có án tích; tòa xác định bị cáo có án tích (có 1 tiền án) là không đúng, cần rút kinh nghiệm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm cách giải quyết một vụ án tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng thông báo để các VKS địa phương trong khu vực rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự.

Vụ án có 8 bị cáo, trong đó bị cáo Đ bị tòa sơ thẩm phạt Đ 36 tháng tù về tội tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Đ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, bị cáo Đ từng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản khi 17 tuổi 9 tháng 21 ngày, là người dưới 18 tuổi phạm tội. Tòa xử phạt Đ 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS, là tội phạm ít nghiêm trọng.

Theo điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS, người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý”.

Trong trường hợp này, Đ là người “từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi" phạm tội ít nghiêm trọng, cho nên phải coi bị cáo Đ là không có án tích.

Tuy nhiên, tại bản kết luận điều tra, cáo trạng, đề nghị của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm và bản án sơ thẩm vụ án tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng đều xác định bị cáo Đ có án tích (có 1 tiền án), thuộc trường hợp “tái phạm”.

Từ đó, kiểm sát viên đã đề nghị và bản án sơ thẩm đã áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm" được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 để xét xử Đ là chưa áp dụng đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS và khoản 1 Điều 53 BLHS. Cụ thể, khoản 1 Điều 53 BLHS quy định tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Vì vậy, tại phiên phúc thẩm, kiểm sát viên VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm đối với bị cáo Đ và HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận đề nghị này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm