Sáng ngày 1-10, tại Hòa Lạc (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 và kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sự kiện là cơ hội để thúc đẩy, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, cơ sở nghiên cứu trong nước và quốc tế thông qua gặp gỡ, giới thiệu, trao đổi, chia sẻ, trình diễn các giải pháp công nghệ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và chuyển đổi xanh.
Đồng thời đây cũng là cơ hội để tổng kết, nhìn lại quá trình 5 năm hình thành và phát triển NIC và 1 năm khánh thành NIC cơ sở Hoà Lạc - một cột mốc quan trọng, khẳng định tầm nhìn và nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ
Thông tin về những kết quả mà NIC đã đạt được trong 5 năm qua sứ mệnh sự phát triển và dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay, thứ nhất, đó là góp phần đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Bộ KH&ĐT đã chỉ đạo NIC chủ trì nghiên cứu, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách về đổi mới sáng tạo, được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Thủ đô... Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Thứ hai, phát huy vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Cụ thể, NIC đã hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.
Đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm là trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, đưa NIC nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành các đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới như SK Hàn Quốc, Google, NVIDIA, Meta, Samsung…
Hỗ trợ ươm tạo cho nhiều cá nhân, tổ chức
Bên cạnh đó, NIC cũng thành lập 10 mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 2.000 thành viên là các chuyên gia, trí thức. Song song với đó là hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam tiếp cận với trình độ chuyên môn và các nguồn lực về tài chính, đầu tư.
Hỗ trợ ươm tạo hơn 1.000 startups, kết nối hơn 1.500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tổ chức…; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hơn 10.000 cá nhân đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai Chương trình Phát triển nhân tài số cung cấp hơn 60.000 suất học bổng cho các nhân tài số.
Đặc biệt, NIC đã chủ động triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với nhiều đối tác bán dẫn hàng đầu thế giới như: Qorvo, ARM, Marvell, Cadence, Synosyps, NVIDIA, Siemens...
Và là đầu mối chủ trì Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời xây dựng 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và 18 phòng thí nghiệm bán dẫn tiêu chuẩn phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp nhưng người đứng đầu Bộ KH&ĐT vẫn thẳng thắn nhìn nhận đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Và hành trình đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều gian nan thử thách.
“Nhưng thách thức luôn đi kèm với cơ hội, và chúng ta chỉ có thể vượt qua những thách thức đó khi chúng ta dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm”, Bộ trưởng Dũng nói và khẳng định Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên đồng hành để xây dựng, vận hành hiệu quả và thành công NIC, góp phần thúc đẩy các giá trị đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng như mục tiêu, kỳ vọng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52 năm 2019 về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 2-10-2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được thành lập với sứ mệnh là hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhanh chóng nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để Việt Nam bứt phá, vươn lên.