Việt Nam và Quảng Trị trong ký ức người phụ nữ Cuba từng 9 lần ghé thăm

(PLO)- Trở lại Việt Nam lần thứ 9, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba Yolandra Ferrer xúc động: “Mỗi lần đến đây, tôi đều nhìn thấy một Việt Nam rất khác”.

Chiều muộn một ngày đầu thu, Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernández cùng đoàn đại biểu Cuba đã có chuyến thăm Việt Nam với nhiều hoạt động kỷ niệm sau 50 năm Lãnh tụ Fidel Castro tới vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, năm 1973.

Trong đoàn đại biểu ấy có bà Yolandra Ferrer - người đã 9 lần sang thăm Việt Nam trong suốt 56 năm qua.

“Tôi được lịch sử trao cho một đặc ân. Đó là chứng kiến Việt Nam từ năm 1967 đến hiện tại. Tôi đã nhìn thấy từng bước phát triển của Việt Nam”, bà tâm sự với PLO.

50-nam-lanh-tu-fidel-castro-tham-quang-tri.JPG
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba Yolandra Ferrer. (Ảnh: TT)

“Khi ấy, khắp Việt Nam chỉ có một không khí - không khí của kháng chiến. Việt Nam của năm 1967 rất kiên cường”, bà Yolandra kể về lần đầu tiên ghé thăm đất nước anh em ở Đông Bán cầu, khi bà mới 19 tuổi.

7 năm sau, bà trở lại Việt Nam lần thứ hai, đi dọc từ Hà Nội vào chiến trường Quảng Trị. “Trước đó 1 năm, lãnh tụ Fidel đã đến đó, nên thấy tôi, mọi người đều hô vang ‘Cuba, Cuba’. Mọi thứ đều thân thuộc, từ không khí kháng chiến cho đến sự thân tình. Việt Nam của năm 1974, nhất là Quảng Trị, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng nhân dân rất kiên cường và bền bỉ”, bà nói.

Sau chuyến thăm chiến trường Quảng Trị, bà cùng đoàn công tác ngược ra miền Bắc. Tại đây, bà đến thăm một trường tiểu học ở Thủ đô.

“Các em nhỏ gửi tôi một chiếc hộp carton, nhờ tôi mang về nước và tặng cho học sinh Cuba. Trong chiếc hộp ấy là tiền ăn các em dành dụm được”, bà Yolandra xúc động. “Có quá nhiều tình cảm tôi đã nhận được ngày hôm ấy”.

Cũng trong chuyến thăm này, bà đã đến một nhà máy dệt ở Hà Nội - nơi bị đánh bom và tàn phá nặng nề.

“Vừa vào đến sảnh đã thấy những đống sắt vụn ngổn ngang, đổ vỡ, nhưng công nhân vẫn làm, vẫn hát vang Quốc ca hướng về chiến trường miền Nam. Thật phi thường. Đó là điều mà có lẽ mãi đến sau này tôi cũng không thể quên được”, Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam rưng rưng.

"Tôi nghĩ đó là sự đoàn kết, gắn bó của 2 miền Việt Nam mà bom đạn của đế quốc không bao giờ chia rẽ được".

6 năm sau, bà Yolandra trở lại với một Việt Nam đã kháng chiến thành công, non sông liền một dải. Lần đấy, và những lần đến Việt Nam sau đó, bà không còn cảm giác “chuyến thăm” nữa, mà như được trở về một nơi đã quá thân thuộc.

“Tôi đã nhìn thấy một Việt Nam hoàn toàn khác. Đó là sự hào hứng mạnh mẽ. Mọi người đang bắt tay vào công cuộc xây dựng, kiến thiết, đổi mới đất nước sau chiến tranh”.

Trong ký ức bà Yolandra, năm 1980, trên dải đất hình chữ S vẫn còn đâu đó những dãy hào trú ẩn trong trường học vùng quê, hay những ngôi làng từng bị hủy diệt. Người dân vẫn còn khó khăn, thiếu thốn vật chất, nhưng đâu đâu cũng thể hiện sựkhát khao, hứng khởi, hy vọng. Lớp học tấp nập, cơ sở y tế khang trang, nhiều cửa hàng bách hóa mọc lên.

fidel-castro-tham-quang-tri-viet-nam.png
Đoàn đại biểu Cuba thăm Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ấn tượng đọng lại với nữ Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam là không khí Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991. Trong sự kiện ấy, bà đã có cơ hội trò chuyện với vị thủ tướng Việt Nam lâu năm nhất, ông Phạm Văn Đồng. Là đại biểu quốc tế hiếm hoi dự sự kiện chính trị trọng đại của Việt Nam, càng về sau bà càng cảm nhận được ý nghĩa, giá trị của công cuộc Đổi mới mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Nói về mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia anh em ở hai đầu bán cầu, theo bà Yolandra, luôn có một hình ảnh bất tử: Lãnh tụ Fidel Castro vẫy lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đồi 241, ở Quảng Trị, chỉ cách địch vài km. Nơi ấy, Fidel đã nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

ky-niem-50-nam-lanh-tu-fidel-castro-tham-quang-tri.jpg
Chuyến thăm của Fidel Castro tại Quảng Trị năm 1973 là dấu ấn đặc biệt về tình hữu nghị Việt Nam - Cuba trong những tháng năm đạn bom khốc liệt.

Ngày 27-9 vừa qua, bà Yolandra đã được bước chân trên con đường mà Fidel Castro cùng người đồng chí Phạm Văn Đồng cùng rảo bước, đến thăm những địa điểm của sự kiện 50 năm trước.

“Ngày ấy, bất chấp sự can ngăn của lãnh đạo Việt Nam về rủi ro có thể gặp phải, Fidel vẫn đến và ôm các chiến sĩ anh hùng đã chiến đấu bằng máu và lửa, bày tỏ tin tưởng rằng chắc chắn họ sẽ giành chiến thắng. Ông nhắc lại sự ủng hộ, ngưỡng mộ và tình cảm vững chắc của nhân dân Cuba chúng tôi dành cho họ”, bà Yolandra kể.

fidel-castro.png
Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: TT

“Tôi không thể so sánh Việt Nam của năm 1967 và Việt Nam hôm nay. Nhân dân Việt Nam đã nỗ lực với tất cả những gì mình có để đưa đất nước đi lên”.

Tròn 5 thập kỷ kể từ ngày Lãnh tụ Fidel Castro tới vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị, ông và những người đồng chí Việt Nam cùng thời đã đi xa, nhưng “chất Fidel” vẫn còn trong mỗi người Cuba, như lời khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo với người đồng cấp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ: “Tinh thần Fidel trong chúng tôi còn mãi, vì Việt Nam, hôm nay Cuba vẫn sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Và cũng như vậy, Việt Nam những năm qua luôn chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu, kết quả đổi mới của mình với những người anh em Cuba còn đang chồng chất khó khăn trong bao vây, cấm vận cũng như đang tìm đường cải cách, mở cửa.

“Ngày mai tôi rời Việt Nam. Mỗi lần phải tạm biệt đất nước này, trong lời chia tay ‘hẹn gặp lại’ mà tôi nói, tôi luôn cảm thấy như phải để lại một phần trái tim mình ở đây”, bà Yolandra nghẹn ngào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm