30 năm – như một người trưởng thành và đạt tới độ chín về tuổi đời – Viettel giờ đây đang khởi tạo thực tại mới cho mình cũng như cho ngành viễn thông – công nghệ - công nghiệp của nước nhà.
Từ dịch vụ cho người giàu đến di động cho mọi người
Vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, di động ở Việt Nam là dịch vụ xa xỉ. Mỗi chiếc điện thoại kèm sim có giá tương đương nửa chiếc xe máy. Để có thể kết nối di động, người dân phải mất 200 USD tiền thuê bao, thêm vào đó là vài chục USD để chi cho cước phí kết nối.
Là lãnh đạo cấp cao trong ngành Bưu chính Viễn thông thời đó, ông Mai Liêm Trực kỳ vọng về một “kết nối di động dễ dàng và giá rẻ hơn” khi giấy phép ký cho Viettel, cho phép đơn vị này là doanh nghiệp được triển khai đầy đủ tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ về bưu chính viễn thông vào năm 1998. Khi cấp mã số để nhà mạng này bắt tay vào làm di động, ông Trực chia sẻ rằng ngay cả cơ quan chủ quản của Viettel khi đó là Bộ Quốc Phòng cũng rất lo lắng. Thời điểm đó, chưa từng có một đơn vị mà người lính lại đứng đầu trên trận chiến về kinh tế ở lĩnh vực quan trọng như vậy.
Năm 2000, Viettel ra mắt đầu số 178 trên nền dịch vụ VoIP, đánh dấu bước chuyển mình của ngành viễn thông Việt Nam. Điện thoại đường dài từ chỗ là dịch vụ đắt đỏ đã trở nên rẻ hơn nhiều so với trước đó. Năm 2003, với việc xây dựng và đưa vào khai thác trạm vệ tinh mặt đất cửa ngõ viễn thông đi quốc tế, dung lượng kết nối quốc tế mạng IXP của Viettel đã được nâng lên 45Mbps.
Ngày 15-10-2004, Viettel chính thức khai trương mạng di động, với đầu số 098. Sau chưa đầy 1 năm, Viettel tạo nên sức hút và bứt tốc mạnh mẽ, đạt mốc 1 triệu thuê bao – mức tăng trưởng mà các mạng di động trước đó phải mất hơn 10 năm mới đạt được.
Từ con số 0 doanh thu viễn thông vào năm 2000, đến năm 2010, Viettel đã trở thành nhà mạng hàng đầu ở Việt Nam, biến điều xa xỉ chỉ vài năm trước trở thành thứ thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu cơ bản của mọi người dân: kết nối và thông tin.
Từ số 1 Việt Nam đến Top 15 thế giới
Năm 2006, Viettel bắt đầu nghĩ đến việc đi ra nước ngoài. Ban dự án Đầu tư nước ngoài được thành lập, với mục tiêu ban đầu là khai trương được ở hai quốc gia láng giềng là Campuchia và Lào. Năm 2009, Metfone chính thức hòa mạng, cùng thời điểm Viettel ở Việt Nam trở thành nhà mạng số 1 về thuê bao và lợi nhuận. Đây cũng là năm đánh dấu lần đầu tiên một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có nhà mạng riêng của mình tại thị trường quốc tế.
Mang bài học từ Việt Nam áp dụng vào thị trường Campuchia, Metfone - thương hiệu của Việt Nam tại Campuchia - đã nhanh chóng đạt được thành công vang dội. Từ thành công ở Campuchia, 31 nhân sự Viettel tiếp tục được cử đến Lào để thực hiện dự án Unitel.
Suốt từ năm 2009 đến 2018, Viettel liên tục mở rộng thị trường quốc tế với việc triển khai hoạt động từ châu Á đến châu Phi và Mỹ Latinh. 10 công ty mang thương hiệu của Viettel đang hoạt động trên 3 châu lục. Trong đó, ở 5 thị trường, công ty con của Viettel đang đứng ở vị trí số 1 về thị phần thuê bao, doanh thu và lợi nhuận: Campuchia, Lào, Burundi, Đông Timor, Mozambique.
Sứ mệnh mới của Viettel
Sau 10 năm khởi động và triển khai, Viettel đã làm chủ và sản xuất được gần như toàn bộ hệ thống mạng viễn thông lõi, như hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS), hệ thống nhắn tin, trạm phát sóng BTS 4G, đang nghiên cứu thiết bị phát sóng 5G…, đứng vào hàng ngũ một trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và lọt top 50 thương hiệu viễn thông đắt giá nhất hành tinh. Và ngày 10-5, Viettel đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên, đưa tên Việt Nam vào danh sách những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất thế giới. Điều này đồng thời cũng nhắc nhở Viettel về sứ mệnh sẽ đưa đất nước bước cùng nhịp với công nghệ của thế giới chứ không còn đi sau như trước.