Hằng năm, tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng gần 10.000 người và bị thương khoảng 20.000 người, thiệt hại về kinh tế khoảng 3 tỉ USD/năm.
Tai nạn giao thông gây thiệt hại 3 tỉ USD/năm
Hội nghị tập huấn, tuyên truyền các quy định, giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực vận tải đã nhận được sự tham gia của Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT TP.HCM và các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải và hàng trăm tài xế Vinasun.
Tại hội nghị, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết TNGT là hiểm họa đối với mọi quốc gia và mọi người. Trong đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bị chết và khoảng 50 triệu người bị thương do TNGT. Riêng TNGT đường bộ xảy ra ở các nước đang phát triển chiếm 88% số vụ tai nạn.
Trong khi đó, tổn thất về kinh tế do TNGT chiếm khoảng 1%-2% tổng giá trị sản phẩm quốc gia (GNP). Trong đó, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, con số này khoảng 65 tỉ USD. Riêng TNGT đường bộ ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng gần 10.000 người và bị thương khoảng 20.000 người, thiệt hại về kinh tế mỗi năm khoảng 3 tỉ USD. Đặc biệt, TNGT ở Việt Nam đang ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Vụ trưởng Vụ Vận tải, ông Trần Quang Bình, cho biết TNGT do ba yếu tố sau: Con người, phương tiện và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, từ các số liệu thống kê, phân tích chi tiết các vụ TNGT đường bộ ở Việt Nam đã chỉ ra rằng nguyên nhân xảy ra TNGT do lỗi của người tham gia giao thông chiếm hơn 80% tổng số vụ TNGT. Vì vậy, người lái xe với tư cách là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có vai trò quyết định đến ATGT.
Cần có sự đồng bộ
Ông Trần Quang Bình cho biết để công tác đảm bảo ATGT có thể đạt được hiệu quả cao nhất thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, thành phần khác nhau trong xã hội. Trong đó, nhà nước có một vai trò hết sức quan trọng mang tính quyết định.
Cụ thể, nhà nước cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về ATGT, đây chính là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động của công tác đảm bảo ATGT. Đồng thời, nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường công tác quản lý phương tiện, quản lý lái xe cũng như nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Đối với các đơn vị vận tải cần chú trọng tập trung tổ chức và thực hiện tốt các nhiệm vụ, như khảo sát các yếu tố tiềm ẩn gây mất ATGT trong hoạt động vận tải của đơn vị nhằm xây dựng được phương án tổ chức vận tải an toàn và hiệu quả nhất; quản lý chặt chẽ phương tiện của đơn vị nhằm đảm bảo phương tiện luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt, bố trí phương tiện phù hợp với nhiệm vụ vận chuyển; có chính sách và biện pháp hiệu quả trong việc quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.
Đối với bộ phận quản lý về điều kiện ATGT cần lập kế hoạch để đảm bảo ATGT; thống kê, phân tích TNGT, tổ chức rút kinh nghiệm trong đội ngũ lái xe và cán bộ quản lý của đơn vị; cập nhật vào lý lịch hành nghề lái xe hoặc phần mềm quản lý lái xe của đơn vị.
Trách nhiệm của tài xế là vô cùng quan trọng · Tài xế cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; · Chấp hành các chính sách, nội quy, quy định của đơn vị về ATGT; · Đề xuất sáng kiến đảm bảo ATGT; · Vận động mọi người cùng tham gia. |