Vingroup đề nghị làm 2 tuyến đường sắt giá tỉ đô ở Hà Nội

Trong ba dự án này có hai dự án do Tập đoàn Vingroup đề xuất với tổng mức đầu tư lên đến hơn 4 tỉ USD…

Cụ thể, ngày 28-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư ba dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn TP ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Dẫn giải về sự cần thiết của các dự án này, UBND TP Hà Nội cho hay theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thì Hà Nội chú trọng phát triển giao thông công cộng khối lượng lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả với thị phần đường sắt đô thị đến năm 2020 là 10%-15% và năm 2030 là 25%-30%, sau năm 2030 là 35%-40%.

“Do vậy, việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Ba Vì), số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai) là đặc biệt cần thiết” - tờ trình của UBND TP Hà Nội nêu.

Hà Nội đang kỳ vọng vào đường sắt đô thị sẽ là cứu cánh cho giao thông của TP trong tương lai

Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) có chiều dài 5,96 km, toàn tuyến đi ngầm với sáu ga ngầm, nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Vingoup. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2024, khai thác vào năm 2025. Tổng mức đầu tư dự kiến là 27.813 tỉ đồng nếu đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (và khoảng 25.730 tỉ đồng nếu đầu tư bằng ngân sách).

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) có chiều dài toàn tuyến 38,4 km (8 km đi ngầm, 2 km đi cao và 28,4 km đi bằng) với 21 ga và 2 depot. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Vingroup. Thời gian thực hiện dự án từ 2018-2024, đưa vào vận hành năm 2025. Tổng mức đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT là 66.865 tỉ đồng (nếu đầu tư bằng ngân sách là 61.228 tỉ đồng).

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai) có tuyến chính dài 8,7 km (đi ngầm 8,13 km, hầm hở dẫn vào depot dài 0,57 km) với bảy ga ngầm, một khu lập tầu. Chủ đầu tư là UBND TP Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2025, đưa vào khai thác từ năm 2026. Tổng mức đầu tư của dự án này là khoảng 38.656 tỉ đồng.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đề xuất được áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng ba tuyến đường sắt đô thị trên như: được để lại các khoản vượt thu hằng năm, số thu từ cổ phần hóa từ trước năm 2017 để đầu tư các dự án; được ổn định tỉ lệ điều tiết ngân sách TP (phần TP Hà Nội được hưởng) là 35% trong giai đoạn 2021-2025 và cho phép điều tiết toàn bộ các khoản tiết kiệm được chi thương xuyên để chi đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

Các khoản vượt thu, tiết kiệm chi được trích 100% vào quỹ dự trữ tài chính của TP để làm đường sắt; được bán đấu giá tài sản công là nhà và đất để tạo vốn làm dự án; được lập các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt; được phát hành trái phiếu xây dựng thủ đô theo hạn mức Chính phủ đã cho phép TP trần huy động tăng từ 70% lên 90%...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm