Chiều 8-8, phiên tòa xét xử đại án đăng kiểm tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKSND TP.HCM với bị cáo Trần Lập Nghĩa và 17 bị cáo là lãnh đạo, nhân viên làm việc tại các trung tâm đăng kiểm tại miền Tây do bị cáo này làm chủ đầu tư.
Bị cáo Trần Lập Nghĩa bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên cấp dưới nhận hối lộ, giả mạo trong công tác để hưởng lợi 14,7 tỉ đồng và đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục đăng kiểm.
Trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Lập Nghĩa 28-30 năm tù cho 3 tội nhận hối lộ, giả mạo trong công tác và xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Các bị cáo đồng phạm bị đề nghị từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 27 năm tù.
Tại phần bào chữa, các luật sư đã trình bày về vai trò hạn chế của một số bị cáo (không bao gồm bị cáo Nghĩa -PV) và cho rằng mức đề nghị án là quá nặng và nghiêm khắc. Đồng thời, luật sư bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ. Từ đó, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo hoặc giảm nhẹ hình phạt.
Tự bào chữa, hầu hết các bị cáo đồng ý với quan điểm luận tội của đại diện VKS và đều trình bày làm việc dưới sự điều hành, chỉ đạo của ông Nghĩa.
Đại diện VKS đối đáp và cho biết đã thận trọng xem xét, đánh giá và kiểm tra các tình tiết giảm nhẹ để áp dụng cho tất cả các bị cáo. Sau khi kết thúc phần tranh luận, VKS cũng sẽ phân hóa đối với các bị cáo có thái độ cầu thị và có thêm tình tiết giảm nhẹ khác. VKS sẽ đề nghị tăng nặng hơn đối với những bị cáo đã nhận tội nhưng đến phần tranh luận lại chối tội.
Đối với quan điểm của các luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, VKS khẳng định không có căn cứ. Khi đề xuất mức án, VKS đã cân nhắc, cẩn trọng theo đúng quy định của BLHS trên cơ sở đánh giá chứng cứ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đảm bảo tính nhân văn, khoan hồng.
Đối với bị cáo Trần Lập Nghĩa, dù đã thừa nhận việc VKS truy tố 3 tội danh là đúng, thành khẩn nhận tội nhưng luật sư bào chữa lại cho rằng bản chất hành vi của thân chủ mình chỉ là đưa và nhận hối lộ.
Theo VKS, bản chất của việc Trần Lập Nghĩa thực hiện hành vi phạm tội là nhằm mục đích thu lợi bất chính và làm bất kỳ hành động sai trái nào để hưởng lợi.
Trong vụ án này, không phải cứ phạm tội, hưởng lợi đều là nhận hối lộ. Khi thực hiện hành vi giả mạo đăng kiểm viên hoặc xâm nhập phần mềm của cục đăng kiểm, bị cáo Nghĩa cũng chỉ vì lợi nhuận. Với mỗi hành vi của bị cáo Nghĩa đã cấu thành một tội danh độc lập như cáo trạng quy buộc.
Đối với số tiền hưởng lợi, bị cáo Trần Lập Nghĩa đã đề nghị xem xét vì cho rằng trung tâm đăng kiểm 62-03D có giai đoạn đã có thêm đăng kiểm viên Hoàng Văn Lực nên đã đủ đăng kiểm viên. Việc CQĐT xác định tại toàn bộ tiền thu được tại trung tâm này là tiền hưởng lợi là chưa chính xác.
Theo VKS, đăng kiểm viên Hoàng Văn Lực làm việc từ tháng 7-2019 đến tháng 6-2020. Nên khi tính số tiền hưởng lợi tại trung tâm, CQĐT và VKS đã trừ đi số liệu trong khoản thời gian này và không tính vào số tiền hưởng lợi của bị cáo.
“Không chỉ trừ thời gian này, khi xác định số tiền hưởng lợi của các trung tâm, CQĐT xác định chính xác số lượng chữ ký giả của từng bị cáo, tương ứng các đăng kiểm viên giả thực hiện kiểm định xe. Từ đó mới tính ra số lượng phương tiện đã được kiểm định để tính số tiền hưởng lợi", VKS nói.
VKS cũng cho biết thêm, nhóm trung tâm đăng kiểm ở miền tây do bị cáo Trần Lập Nghĩa làm chủ là các trung tâm đầu tiên bị CQĐT tiến hành điều tra, làm rõ. Việc xác định số liệu ở các trung tâm này được tổng hợp hoàn toàn từ số liệu cụ thể.
Ngày mai, phiên tòa đại án đăng kiểm tiếp tục đến phần bào chữa của các luật sư, bị cáo thuộc nhóm Trung tâm đăng kiểm khối V - Cục đăng kiểm Việt Nam.