VKS đề nghị dùng 8.600 tỉ đồng tạm giữ để bồi thường cho các bị hại vụ Tân Hoàng Minh

(PLO)- Đối với số tiền hơn 8.600 tỉ đồng, đại diện VKS đề nghị xử lý để bồi thường cho các bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 21-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và con trai Đỗ Hoàng Việt (phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 13 đồng phạm.

Ngoài đề nghị mức án đối với các bị cáo, đại diện VKS cũng nêu quan điểm giải quyết phần dân sự.

Tân Hoàng Minh (3).jpg
Các bị cáo tại phiên tòa Tân Hoàng Minh. Ảnh: CTV

Trước đó, tại phiên tòa, trả lời xét hỏi, nhiều bị hại trình bày hoàn cảnh khó khăn, đề nghị được nhận lại số tiền đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc.

Một số bị hại đề nghị tòa án căn cứ quy định pháp luật để bảo về quyền và lợi ích cho họ và khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết của tòa.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến bị hại đề nghị tòa án buộc các bị cáo và tổ chức, cá nhân liên quan trả lại tiền gốc và tiền lãi.

Về các ý kiến này, đại diện VKS nhận định đối với yêu cầu của các bị hại về việc trả lại số tiền gốc trong hợp đồng mua bán trái phiếu, đây là số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt thông qua hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên có căn cứ để chấp nhận.

Riêng với yêu cầu về tiền lãi trái phiếu và lãi chậm trả, việc phát hành chín lô trái phiếu và bán cho nhà đầu tư của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là trái quy định pháp luật nên phải thu hồi và tiêu hủy theo quy định. Do đó, hợp đồng mua bán giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Tân Hoàng Minh là vô hiệu, cần giải quyết theo quy định về giao dịch vô hiệu.

Từ những căn cứ trên, đại diện VKS xác định các bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại với tổng số tiền hơn 8.600 tỉ đồng.

Đối với số tiền hơn 8.600 tỉ đồng do cơ quan tố tụng tạm giữ và các bị cáo nộp khắc phục, căn cứ khoản 2 điều 47 và khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự, đại diện VKS đề nghị xử lý để bồi thường cho các bị hại.

Với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng còn thừa, do các bị cáo và cơ quan, tổ chức liên quan nộp, đại diện VKS đề nghị tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Theo VKS, trong vụ án này các bị cáo đã lấy danh nghĩa của Tân Hoàng Minh để khiến các bị hại mua trái phiếu rồi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.

Tuy nhiên, khi đề nghị mức án, VKS cũng cân nhắc đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo như chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, có một số bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội… Bị cáo Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt đã tác động tới gia đình khắc phục số tiền thiệt hại; một số bị cáo khác cũng tự nguyện tác động tới gia đình nộp tiền, khắc phục hậu quả.

Sáng 21-3, một công ty thuộc Tân Hoàng Minh đã nộp 2 tỉ đồng vào Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để khắc phục thêm hậu quả trong vụ án. Đây là số tiền được nộp để thực hiện lời hứa tại phiên tòa của bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh. Ông Dũng nhận trách nhiệm thanh toán các khoản tiền lãi trong các hợp đồng đến hạn trước khi ông bị bắt giam.

Theo hồ sơ vụ án, do khó khăn về tài chính, để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Công ty Tân Hoàng Minh, từ tháng 6-2021đến tháng 3-2022, các bị cáo đã vi phạm pháp luật trong khi thực hiện huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Có 3 doanh nghiệp thuộc nhóm Tân Hoàng Minh phát hành 9 gói trái phiếu với tổng giá trị là 10.030 tỉ đồng. Tân Hoàng Minh đứng ra mua các gói trái phiếu này rồi phân phối lại cho các nhà đầu tư, thu được gần 14.000 tỉ đồng.

Cáo trạng quy kết, các bị cáo đã chiếm đoạt của hơn 6.600 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền thiệt hại hiện đã được thu hồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm