TAND Cấp cao tại TP.HCM đang giải quyết giám đốc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Bản Việt với Công ty TNHH TM DV XD Thiên Ân do có kháng nghị của Viện trưởng VKSND cùng cấp.
Công ty CP Nguyễn Thiên Phúc tại Bình Thuận có vốn 36 tỉ đồng, kinh doanh chính là dạy nghề, đào tạo lái xe.
Ông Lê Anh Tuấn là cổ đông chính giữ 70% cổ phần làm chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật. Hai cổ đông còn lại có ông Nguyễn Đức Long chiếm 20%.
Công ty ký với Ngân hàng Bản Việt một hợp đồng tín dụng và bốn hợp đồng thế chấp. Các hợp đồng đều do ông Tuấn ký dựa trên hai biên bản họp HĐQT vào năm 2013 và 2015.
Kháng nghị của VKS chỉ ra rằng hai biên bản họp mang tính nội bộ, khi thực hiện giao dịch với bên ngoài lẽ ra phải chuyển hoá thành quyết định hay nghị quyết trước khi ký kết.
Tuy nhiên, công ty, ngân hàng và phòng công chứng sử dụng biên bản họp để thực hiện hợp đồng là không đảm bảo về hình thức.
Về nội dung, VKS cho rằng kết quả giám định cho thấy chữ ký của cổ đông Long trong hai biên bản họp là giả, phù hợp với xác minh thời điểm ký ông Long đang ở nước ngoài. Hai biên bản họp không có giá trị pháp lý.
Ông Tuấn với tư cách đại diện công ty có hành vi hoặc chỉ đạo làm giả chữ ký để ký hợp đồng với ngân hàng. Đây là lừa dối ngân hàng và ông Long tự đem tài sản chung của các cổ đông thế chấp và bảo lãnh cho bên thứ ba vay tiền.
Khi ngân hàng giải ngân 11 tỉ đồng vào công ty Nguyễn Thiên Phúc, ông Tuấn ký chuyển ngay số tiền này để thanh toán nợ vay mà sau khi làm rõ, VKSND Cấp cao tại TP.HCM xác định giấy vay tiền này là giả.
Chỉ ra biên bản họp và giấy vay tiền giả, VKS cho rằng công ty Nguyễn Thiên Phú có hành vi gian dối rồi sử dụng tiền vay không đúng mục đích có dấu hiệu tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cần kiến nghị điều tra xử lý.
Về ngân hàng, VKS xác định công ty Nguyễn Thiên Phúc đang trong tình trạng tài chính yếu kém lỗ từ 2012 đến 2015, không có doanh thu. Đáng chú ý, công ty nhận chuyển nhượng thửa đất số 15 giá gần 4,9 tỉ đồng năm 2012 nhưng hai năm sau, ngân hàng thẩm định tài sản để cho vay thì thửa đất có giá trị hơn 24,7 tỉ đồng.
Lý ra khi ưu ái cho vay, ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ số tiền sao cho đúng mục đích, không gây thất thoát, mỗi lần giải ngân phải có đầy đủ chứng từ về nghiệm thu công trình và hoá đơn nhưng giải ngân liền một lần 11 tỉ để đi trả nợ.
Còn công ty Thiên Ân, ngân hàng biết không còn tài sản và không có khả năng trả nợ cho khoản dư nợ 4,37 tỉ nhưng vẫn tiếp tục cho vay 10 tỉ đồng thông qua tài sản đảm bảo của công ty Nguyễn Thiên Phúc.
VKS cho rằng khi xét xử vụ án này, TAND tỉnh Bình Thuận đã sử dụng chứng cứ biên bản họp là sai lầm trong việc sử dụng và đánh giá chứng cứ, vi phạm khoản 2 Điều 108 BLTTDS và sai lầm trong áp dụng pháp luật. Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định rõ: Cổ đông có vốn góp ở đồng thời hai công ty đang thực hiện giao dịch với nhau thì không có quyền biểu quyết.
Mục đích của điều luật này là nhằm không cho các cổ đông có cổ phần chính tự ý thực hiện các giao dịch liên quan đến hai công ty, gây bất lợi cho các cổ đông khác. Việc giao dịch giữa hai công ty chỉ được sự chấp thuận khi có hơn 65% tỉ lệ đồng ý của các cổ đông còn lại (loại ra cổ đông có liên quan đến hai công ty).
Ông Tuấn có cổ phần vốn góp ở cả hai công ty nên ông không có quyền biểu quyết. Cấp phúc thẩm nhận định ông Tuấn được quyền biểu quyết, từ đó xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật là sai lầm trong áp dụng pháp luật.
VKS cũng chỉ ra kết luận trong bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án và một số vi phạm tố tụng khác của hai cấp toà. Từ đó, VKS đề nghị Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án của TAND TP Phan Thiết và TAND tỉnh BÌnh Thuận đã chấp nhận yêu cầu của ngân hàng để giải quyết lại.