Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Không có dấu hiệu dẫn dụ khách hàng để chiếm đoạt

(PLO)- CQĐT xác định tài liệu tập huấn, tư vấn bán trái phiếu Vạn Thịnh Phát của Ngân hàng TMCP Sài Gòn là chính thống, đúng quy định pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đối tượng ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công ty chứng khoán TVSI phát hành và chào bán trái phiếu.

Có 4 pháp nhân gồm Công ty An Đông, Quang Thuận, Setra, Sunny World được sử dụng để phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản bảo đảm. CQĐT xác định có hơn 35.000 bị hại đã mua trái phiếu, bị chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng.

Vạn Thịnh Phát

Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chuỗi hành vi gian dối để lách luật

Quá trình điều tra, CQĐT xác định phương thức, thủ đoạn, hành vi gian dối, lừa đảo của các đối tượng trong vụ án là chuỗi các hành vi từ khi bắt đầu họp, bàn ra chủ trương, thảo luận lựa chọn pháp nhân phát hành trái phiếu, pháp nhân mua sơ cấp, lên phương án phát hành trái phiếu, phương án đi dòng tiền không nhằm hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp để phát hành thành công sản phẩm trái phiếu Vạn Thịnh Phát.

Tất cả thủ đoạn này nhằm lách quy định tại Nghị định 90/2011 và Nghị định 163/2018 về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không vượt quá 100 nhà đầu tư cá nhân.

Sau khi sản phẩm trái phiếu được hoàn thành thì mới giao cho các bộ phận nghiệp vụ của Công ty Chứng khoán TVSI triển khai và SCB phối hợp để bán hàng theo quy trình sẵn có.

CQĐT đã tiến hành xác minh tại SCB, trước thời điểm ngày 7-10-2022, Hội sở SCB chưa tiếp nhận bất kỳ phản ánh nào từ khách hàng và các đơn vị kinh doanh về việc cán bộ nhân viên nào làm sai quy trình, nội dung đã được hướng dẫn, đào tạo để đẩy nhanh việc giới thiệu trái phiếu nhằm chạy theo doanh số, tiền thưởng hoa hồng.

Dữ liệu thống kê phản ánh ý kiến của khách hàng qua các kênh tiếp nhận cho thấy đa phần khách hàng ý kiến về việc thanh toán lãi trái phiếu chậm, các vấn đề phát sinh khi bán trái phiếu trước hạn, thời gian nhận được tiền bán trái phiếu chậm.

SCB có nhận được một vài phản ánh của khách hàng bị nhầm lẫn trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm tiết kiệm được thống kê chi tiết. Các trường hợp này đã được SCB liên hệ để giải quyết triệt để và thỏa đáng cho khách hàng.

Đối với các ý kiến phản ánh của khách hàng đều được SCB triển khai phản hồi theo luồng phản hồi ý kiến khách hàng tương tự các sản phẩm dịch vụ khác được triển khai tại Ngân hàng SCB. Kết quả khách hàng đồng ý với kết quả xử lý của Ngân hàng SCB.

Bên cạnh đó, ngày 15-12-2020, Ngân hàng SCB đã ban hành Thông báo số 13855/TB-TGĐ.20.00 về việc chấn chỉnh công tác giới thiệu khách hàng tham gia sản phẩm đầu tư trái phiếu đảm bảo đúng quy trình.

Nhân viên SCB không tham gia lừa đảo

Với vai trò là tổng giám đốc, điều hành hoạt động chung của SCB, Võ Tấn Hoàng Văn đã trực tiếp chỉ đạo các khối, đơn vị nghiệp vụ thuộc Hội sở SCB đề xuất chủ trương về việc hợp tác với Công ty Chứng khoán TVSI để bán trái phiếu cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Võ Tấn Hoàng Văn giao cho Trần Thị Minh Thảo (phó giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ) phối hợp với Công ty chứng khoán TVSI xây dựng kế hoạch, phương án, tài liệu. Từ đó, đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên SCB tại 239 điểm trên toàn quốc. Việc này được thực hiện theo quy trình của SCB như đối với bất kỳ sản phẩm tài chính nào khác như: bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp khác....

Theo CQĐT, qua kiểm tra nội dung tài liệu tập huấn, cũng như các kế hoạch, chương trình triển khai công tác tư vấn, bán hàng của SCB thấy nội dung tài liệu tập huấn, tư vấn là chính thống, đúng quy định pháp luật, chưa thấy có dấu hiệu của việc tư vấn, đào tạo những nội dung sai sự thật nhằm lừa đảo, dẫn dụ khách hàng mua trái phiếu để chiếm đoạt.

Mặt khác, kết quả điều tra xác định cũng xác định những nhân viên thuộc Hội sở SCB trực tiếp tham gia vào việc hợp tác với Công ty Chứng khoán TVSI, xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn và hơn 2000 nhân viên bán hàng thuộc 239 chi nhánh SCB trên toàn quốc chỉ thực hiện công việc theo quy trình làm việc của SCB.

Các nhân sự này đã thực hiện các nhiệm vụ được phân công, không được thông báo hoặc tham gia họp bàn về chủ trương, mục đích phát hành trái phiếu. Họ cũng không tham gia vào chuỗi các hành vi gian dối, lừa đảo của các đối tượng trong giai đoạn tạo lập trái phiếu khống, cũng như không được hưởng lợi ích vật chất gì.

Đây là những người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên, CQĐT xác định chưa có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm