Liên quan đến vụ biệt thự và biệt phủ xây dựng trái phép tại khu vực rừng Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), gần đây UBND quận Liên Chiểu đã kiểm điểm và kỷ luật về mặt Đảng với hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Xuân Hoài (Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu) và ông Trần Phước Huấn (nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc). Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng việc chỉ xử lý kỷ luật hai cán bộ này là chưa thuyết phục, vì rất nhiều cấp, nhiều ngành cũng liên đới trách nhiệm trong sự vụ trên.
Quy hết trách nhiệm cho quận là chưa ổn
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bí thư quận Liên Chiểu Lương Nguyễn Minh Triết cho hay: “Hai cán bộ này bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong tham mưu quản lý và tổ chức xử lý những sai phạm liên quan đến công trình xây dựng trái phép trên kéo dài trong thời gian qua”. Theo ông Triết, cùng với hai cán bộ này, quận cũng đã kiểm điểm rút kinh nghiệm mấy phòng ban liên quan khác.
Về mức độ vi phạm, ông Triết nói: “Để xảy ra xây dựng trái phép trên, anh em không hề có tiêu cực mà chỉ là cả nể, chưa kiên quyết xử lý. Cái này cũng cần minh định cho rõ chứ không lại khổ anh em”.
Tuy nhiên, ông Triết cũng cho rằng việc quy trách nhiệm hết cho quận là chưa hợp lý và không hoàn toàn chính xác. “Nếu đổ hết trách nhiệm lên chính quyền địa phương là không đúng đâu, vì quận chỉ là đơn vị phối hợp xử lý công việc xây dựng trái phép trên địa bàn” - ông Triết nói.
Dẫn quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, ông Triết nói: “Luật này quy định rõ trách nhiệm quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân với tư cách là chủ rừng. Thứ hai là lực lượng kiểm lâm có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về bảo vệ rừng. Những lực lượng này phải có trách nhiệm tổ chức quản lý và bảo vệ rừng cũng như xử lý những trường hợp sai phạm ở trong khu vực vì đây là đất rừng đặc dụng”. Ở đây, theo ông Triết, hai cán bộ trên chỉ có trách nhiệm phối hợp với ban quản lý rừng, kiểm lâm để xử lý những trường hợp vi phạm về xây dựng, xây dựng trái phép về quản lý trật tự đô thị thôi.
Cũng theo ông Triết, luật quy định rõ là rừng đặc dụng thì thuộc UBND tỉnh, thành quản lý gắn liền với việc thành lập ra ban quản lý rừng đặc dụng. “Trong trường hợp này, ban quản lý là chủ rừng. Khi phát hiện sai phạm, đơn vị này phải lập biên bản, báo chính quyền địa phương. Nếu chúng tôi không có thẩm quyền xử lý, đơn vị này có trách nhiệm báo lên cấp cao hơn để có chỉ đạo. Còn bây giờ nói trách nhiệm của quận cả thì cũng tội cho anh em trong quận” - ông Triết nói.
Khu biệt phủ 100 tỉ đồng của ông Ngô Văn Quang đang được tháo dỡ. Ảnh: LÊ PHI
Kiểm lâm: Đã kiểm điểm bốn cán bộ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, cho biết sau khi để xảy ra sự việc xây dựng trái phép trên khu vực rừng Hải Vân thì Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã kiểm điểm trách nhiệm bốn cán bộ có liên quan gồm: Phan Thế Dũng (Hạt trưởng kiểm lâm Liên Chiểu) và ba kiểm lâm viên Đặng Văn Thiên, Phạm Trí và Nguyễn Văn Thọ vì thiếu tinh thần trách nhiệm.
Theo ông Lương, trước đây việc quản lý rừng khu vực trên là do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân đảm trách nhưng giờ ban này đã giải thể và bàn giao lại cho Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu.
Theo ông Lương, để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân và có phần của Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu. “Tuy nhiên, khi phát hiện việc xây dựng trái phép thì Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu có mời chủ của biệt thự và khu biệt phủ trên đến làm việc nhưng họ không đến. Chúng tôi mời họ đến xử lý 4-5 lần nhưng mấy ổng không hợp tác nên cũng đã có báo cáo lên trên. Bây giờ nói trách nhiệm do kiểm lâm thì cũng tội kiểm lâm chúng tôi” - ông Lương nói.
Diễn tiến vụ việc - Năm 2012: Phát hiện vi phạm, phường và đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu nhiều lần lập biên bản, buộc tháo dỡ; Kiểm lâm TP Đà Nẵng cũng có ba, bốn lần lập biên bản nhưng chủ nhân không thực hiện. - Tháng 2-2015, UBND quận Liên Chiểu đã ban hành quyết định xử lý, buộc hộ ông Ngô Văn Quang tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng trái phép. - Ngày 9-7, UBND TP đã có văn bản không chấp nhận kiến nghị giữ lại biệt phủ của ông Quang. Cũng chiều này, kỳ họp HĐND TP đã ra quyết nghị yêu cầu ông Quang tháo dỡ xong công trình xây dựng trái phép vào cuối tháng 8-2015. - Ngày 7-8: UBND TP Đà Nẵng có văn bản cho phép ông Quang gia hạn việc tháo dỡ đến hết ngày 30-11. - Ngày 17-11: UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn 9105/UBND-NCPC báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực HĐND TP xin ý kiến chỉ đạo theo hướng tạm dừng việc xử lý vào thời điểm 30-11 để chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ (TTCP). - Ngày 26-11, tổ công tác của TTCP do ông Trần Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục II TTCP, làm tổ trưởng vào làm việc với quận Liên Chiểu. - Ngày 27-11: Với ý kiến của tổ công tác, UBND quận Liên Chiểu có Văn bản 1230/UBND-VP kiến nghị về việc xử lý khu biệt phủ trái phép của ông Quang. - Ngày 28-11: Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ký Văn bản 9381/UBND-NCPC gửi UBND quận Liên Chiểu, thống nhất chưa áp dụng biện pháp xử lý hành chính tháo dỡ khu biệt phủ trái phép này cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và tổng TTCP. - Ngày 1-12: Bà Lê Thị Thủy, Phó Tổng TTCP, ký Công văn số 3553/TTCP-C.II gửi chính quyền Đà Nẵng: “Đề nghị UBND TP Đà Nẵng khẩn trương xem xét, giải quyết vụ việc của ông Quang theo đúng quy định của pháp luật”. - Ngày 4-12: Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ký Công văn số 9609/UBND-NCPC với nội dung: “Chủ tịch UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND quận Liên Chiểu tổ chức thực hiện việc xử lý công trình xây dựng không phép của ông Quang theo đúng quy định của pháp luật”. |