Vụ chiếm 'đất vàng' Hà Nội: Tòa nghị án kéo dài để các đương sự thỏa thuận dân sự

(PLO)- HĐXX quyết định nghị án kéo dài, dành thời gian cho các bên thỏa thuận về dân sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-4, theo dự kiến, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án đối với bị cáo Lương Thế Hiển (Lương Xuân Hiển, cựu Phó Chánh văn phòng Sở TN&MT Hà Nội) và Nguyễn Thị Liên (vợ Hiển) trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, khi bắt đầu làm việc, HĐXX đã quay lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số vấn đề về dân sự. Trong đó có phần về tài sản đang bị kê biên trong vụ án, đứng tên bị cáo Hiển và tài sản mua từ tiền phạm tội mà có, gồm bốn mảnh đất tổng diện tích hơn 2.600 m2 tại Hà Nội và Phú Thọ.

Trên cơ sở đề nghị của ba bên bị cáo, bị hại và người liên quan, HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài để dành thời gian cho các bên thỏa thuận về vấn đề dân sự.

HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 4-5 tới đây.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HN

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HN

Phiên tòa được mở từ ngày 18-4. Theo cáo buộc, bị cáo Hiển và vợ đã lợi dụng sự tín nhiệm của anh Nguyễn Thanh Thủy để chiếm đoạt 676m2 đất số 296, 298, 300 phố Bà Triệu sau đó đem bán cho anh Lê Hải An thu 320 tỉ đồng.

Quá trình xét xử, VKS đề nghị phạt 18-20 năm tù với bị cáo Hiển, 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với bị cáo Liên.

Về dân sự, VKS đề nghị toà buộc ông Hiển trả lại số tiền hưởng lợi bất chính 320 tỉ đồng cho người mua đất là ông Lê Hải An, trả lại 676m2 đất cho bị hại là anh Nguyễn Thanh Thủy.

Tại phiên tòa, bị cáo Liên nhận tội và khai rằng hợp đồng hợp tác kinh doanh để đầu tư mua đất vàng Bà Triệu là hình thức, việc hợp tác không có thật.

Trong khi đó, bị cáo Hiển phủ nhận lời khai này, khẳng định giữa bị cáo và anh Thủy là quan hệ hợp tác kinh doanh. Bị cáo đã đưa cho anh Thủy 200 tỉ đồng để mua lại nhà ở cũ thuộc diện sở hữu Nhà nước tại 296, 298, 300 phố Bà Triệu.

Anh Thủy khai quen biết bị cáo Hiển trong lần công tác sang Nhật Bản. Trong chuyến đi, bị cáo Hiển giới thiệu là Phó Chánh văn phòng Sở TN&MT đã về hưu chuyên làm giấy tờ đất cát nên anh Thủy tin tưởng nhờ làm sổ đỏ. Bị cáo Hiển là người đề nghị lập hợp đồng giả cách hợp tác kinh doanh để bị cáo Hiển đứng tên mua gom đất mới giải quyết nhanh được…

Theo cáo trạng, anh Thủy có nhu cầu mua gom ba thửa đất số 296, 298, 300 ở mặt phố Bà Triệu, Hà Nội để kinh doanh bất động sản.

Nguồn gốc ban đầu của ba thửa đất này là nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Ba thửa đất có diện tích 676 m2, có 14 hộ dân sinh sống, trong đó có 308 m2 đã được 11 hộ dân mua của Nhà nước và được cấp sổ đỏ.

Từ tháng 5-2017 đến tháng 9-2017, anh Thủy đã mua lại phần diện tích của 11 hộ dân này và làm thủ tục sang tên sổ. Đồng thời thuê lại 108 m2 nhà ở.

Sau đó, anh Thủy muốn mua phần diện tích còn lại, làm thủ tục gộp sổ hồng, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với phần đất sử dụng chung ở khu đất số 296, 298, 300 Bà Triệu.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, anh Thủy không phải là đối tượng được mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước nên nhờ bị cáo Hiển giúp thủ tục mua nhà, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và gộp sổ.

Để hợp thức việc nhờ bị cáo Hiển đứng tên làm giúp làm các thủ tục trên, Hiển và anh Thủy đã thống nhất thực hiện việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với vợ Hiển, viết các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại phần vốn đã góp, ký các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất tại phố Bà Triệu với Liên và Hiển.

Sau đó, Sở TN&MT TP Hà Nội cấp sổ đỏ đứng tên vợ chồng Hiển. Lúc này, Hiển nảy sinh ý định chiếm đoạt và không trả lại nhà đất cho anh Thủy như thỏa thuận mà đem bán cho anh Lê Hải An lấy gần 320 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm