Vụ giao đất vàng số 8-12 Lê Duẩn: Thiệt hại bao nhiêu?

Ngày 30-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) sai phạm trong việc giao khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.

VKS bảo lưu quan điểm luận tội đối với các bị cáo. Kết thúc phần tranh luận, HĐXX cho rằng vụ án có nhiều vấn đề phức tạp nên nghị án kéo dài, dự kiến tuyên án ngày 2-12.

VKS: Thiệt hại hơn 1.927 tỉ đồng

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng HĐXX sơ thẩm chỉ căn cứ vào số tiền mà Công ty Lavenue nộp ngân sách tương ứng với phần vốn góp của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM để thu hồi 126 tỉ đồng là đã gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 30 tỉ đồng.

Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy tại phiên tòa ngày 30-11. Ảnh: HOÀNG YẾN

Theo VKS, thiệt hại của vụ án phải tính đến thời điểm khởi tố vụ án, tức vào năm 2018, với số tiền hơn 1.927 tỉ đồng. Trong khi đó, HĐXX sơ thẩm xác định thiệt hại hơn 252 tỉ đồng, tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Từ đó, đại diện VKSND Cấp cao đề nghị xác định lại thiệt hại vụ án, trả toàn bộ 157 tỉ đồng mà Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM đã góp vốn vào Công ty Lavenue...

Về các kháng cáo xin giảm nhẹ và miễn hình phạt của các bị cáo khác, VKS xác định án sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, không oan, sai. Hành vi của các bị cáo là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

VKS nhận định: Chúng tôi ghi nhận những đóng góp, cống hiến cũng như những thành tích trong quá trình công tác của các bị cáo Tài, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam và Trương Văn Út… Tuy nhiên, những lý do mà bị cáo nêu trong đơn kháng cáo không phải là tình tiết giảm nhẹ mới. Án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá đầy đủ, xử phạt mức án thấp hơn quy định tại khoản 3 Điều 219 BLHS.

Luật sư: Nhà nước không bị thiệt hại

Tự bào chữa, ông Tài nói ông không có quan hệ tình cảm gì với bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (cựu chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue). Ông cũng không gặp gỡ, bàn bạc gì với bà Thúy và mọi việc làm của ông đều có báo cáo với lãnh đạo.

Luật sư của bị cáo Tài không đồng ý với quan điểm của VKS rằng thiệt hại vụ án là 1.927 tỉ đồng. Hơn thế nữa, hành vi của ông Tài thực tế cũng không gây ra thiệt hại 252 tỉ đồng như án sơ thẩm đã kết luận.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài tại tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN

Luật sư nói theo án sơ thẩm, khu đất số 8-12 Lê Duẩn đã bị tuyên phải thu hồi và do Nhà nước nắm giữ và quản lý. Trong khi đó, giá trị của khu đất vào thời điểm hiện nay là rất lớn và lớn hơn rất nhiều so với thiệt hại được nêu. Trong khi Công ty Lavenue bị thiệt hại do không được đầu tư, phát triển dự án trong thời gian dài thì Nhà nước lại được lợi khi đã thu và sử dụng khoản tiền sử dụng đất và thuê đất hơn 647 tỉ đồng từ 10 năm qua.

Ngoài ra, khi phát hiện dự án có dấu hiệu sai phạm, đặc biệt là khi bốn công ty thuê đất chuyển nhượng 50% phần vốn góp tại Công ty Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, bị cáo Tài đã chủ động báo cáo với lãnh đạo để kiến nghị tạm ngừng triển khai và cho thanh tra dự án này nhằm ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại hoặc không để xảy ra thiệt hại đối với tài sản Nhà nước.

Luật sư nhấn mạnh: “Việc để xảy ra sai phạm kéo dài, dù đã được thanh tra, kiểm tra và kiến nghị thu hồi những khu đất đó vẫn không được thực hiện thì không thể quy trách nhiệm riêng cho cá nhân ông Tài”.

Luật sư đề nghị tuyên bị cáo Thúy vô tội

Luật sư của bà Thúy nói nhận định của án sơ thẩm về việc Công ty Hoa Tháng Năm không có năng lực tài chính để tham gia dự án là không xác đáng. Từ đó, luật sư đặt vấn đề: “Nếu cùng không đủ năng lực tài chính thì tại sao chỉ mình Công ty Hoa Tháng Năm bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn các công ty còn lại tham gia góp vốn vào Công ty Lavenue thì không?”.

Luật sư phân tích: Công ty Hoa Tháng Năm đã góp đủ vào Công ty Lavenue tổng cộng 235,5 tỉ đồng. Việc góp vốn bằng phương thức nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Hoa Tháng Năm không gây thiệt hại, mà còn bổ sung vào thiếu hụt năng lực tài chính của chủ đầu tư và Nhà nước đang được sử dụng phần vốn góp này.

Công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp vốn để thực hiện dự án là xuất phát từ sự thay đổi về chủ trương, chính sách đầu tư của UBND TP.HCM. Xuất phát từ ý chí mong muốn của cả hai phía là nhà đầu tư và UBND TP chứ không phải do bà Thúy tác động đến ông Tài để được hưởng lợi từ dự án.

Luật sư cho rằng cáo buộc bà Thúy đồng phạm với ông Tài là không thuyết phục. Bởi không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh có sự bàn bạc giữa thân chủ với ông Tài và các bị cáo khác.

Hơn nữa, bị cáo Thúy gửi văn bản đề xuất tham gia dự án với tư cách người đại diện theo pháp luật của Công ty Lavenue là thực hiện ý của các cổ đông chứ không phải tư cách cá nhân. Việc ông Tài ký quyết định giao đất, cho thuê đất là căn cứ vào sự tham mưu của các sở, ngành chứ không phải do bà Thúy tác động.

Từ đó, luật sư cho rằng bà Thúy và Công ty Hoa Tháng Năm không có lỗi, đề nghị HĐXX tuyên bà không phạm tội, đồng thời hủy bỏ việc tịch thu gần 190 tỉ đồng phần vốn góp tham gia dự án.

Ông Tài: “Tôi thấm thía lắm, đau lắm!”

Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, ông Tài nghẹn ngào: “Suốt hai ngày qua tôi rất hạnh phúc vì được tạo điều kiện cho nói những sự việc đã xảy ra. Hãy nhìn nhận công tâm, công bằng để đánh giá sự việc, khách quan.

Trước đây, công việc khó khăn tới đâu tôi cũng cố gắng hoàn thành. Không ai biết trước ngày mai, sau bao nhiêu năm cuối đời phải đi tù. Tôi thấm thía lắm! Đó là cú sốc rất lớn đối với bản thân, đau lắm!”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm