Vụ gửi tiết kiệm hàng chục tỉ đồng: “Biết không đúng nhưng vẫn phải làm…”

Liên quan đến việc Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Bình Tân gửi tiết kiệm hàng chục tỉ đồng tiền bồi thường vào ngân hàng, trong đó có 153 sổ tiết kiệm đứng tên trưởng ban (Pháp Luật TP.HCMngày 13-10), trao đổi với chúng tôi chiều 13-10, ông Lê Văn Hùng - Trưởng ban BTGPMB quận này nói: “Việc đứng tên tôi trên sổ tiết kiệm là tài sản của người khác là không đúng nhưng tôi vẫn phải làm vì nếu không sẽ chậm tiến độ của dự án đầu tư xây dựng công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Thời điểm đó không có quy định và cũng không có hướng dẫn nhưng tôi vẫn phải làm, sai đến đâu tôi xin chịu trách nhiệm đến đó nhưng tôi không thể không làm”.

Chưa có hướng dẫn, vẫn phải làm

Theo kết luận thanh tra, trong tổng số 1.011 sổ tiết kiệm tương ứng với tổng số tiền hơn 78,6 tỉ đồng, ông Hùng đứng tên cho 153 sổ với tổng số tiền gần 3,8 tỉ đồng. Còn lại là người dân đứng tên. Giải thích về việc này, ông Hùng cho biết các trường hợp ông đứng tên là đất nông nghiệp, người dân mua bán chuyển nhượng bằng giấy tay qua nhiều lần nên không tìm được chủ đất. Trước khi phân lô ra bán cho nhiều người, chủ sử dụng đất gốc đã được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, các trường hợp sau khi nhận chuyển nhượng của chủ gốc đã không tiến hành kê khai, đăng ký tại phường hoặc quận.

Ông Lê Văn Hùng - Trưởng ban BTGPMB quận Bình Tân trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM chiều 13-10. Ảnh: VIỆT HOA

Theo ông Hùng, khi lập thủ tục làm sổ tiết kiệm cho các trường hợp vắng chủ, ngân hàng yêu cầu bắt buộc phải có tên cá nhân đứng sổ. Khi chưa tìm ra chủ đất, chủ cũ lại không chịu hợp tác nên bản thân ông là người đứng đầu Ban BTGPMB phải đứng tên. “Làm như vậy để đẩy nhanh tiến độ của dự án và làm cơ sở pháp lý để tránh phát sinh khiếu kiện sau này” - ông Hùng nói.

Cũng theo kết luận của Thanh tra TP, cuối năm 2012, Ban BTGPMB quận Bình Tân đã có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị hướng dẫn đối với việc để tên trưởng ban và UBND các phường có liên quan trong sổ tiết kiệm đối với đất vắng chủ. Sở Tài chính hướng dẫn quận Bình Tân tìm về chủ gốc (đã chuyển nhượng đất) để họ đứng tên trên sổ tiết kiệm. “Tuy nhiên, các chủ đất đều xác nhận đã chuyển nhượng hết đất cho người khác nên từ chối kê khai nên không thể xác định được tên hộ gia đình hay cá nhân để lập hồ sơ bồi thường theo quy định” - ông Hùng cho hay. Do đó, quận Bình Tân tiếp tục có công văn kiến nghị Sở Tài chính hướng dẫn mở sổ tiết kiệm đối với các phần đất do ông Hùng và UBND các phường tạm đứng tên kê khai.

Kết luận này cũng cho hay tháng 8-2013, Sở Tài chính đề nghị Hội đồng thẩm định bồi thường TP có ý kiến hướng dẫn quận Bình Tân. Hội đồng thẩm định bồi thường TP cho rằng các trường hợp này không gửi tiền vào ngân hàng. Theo đó, các trường hợp nhận chuyển nhượng không liên hệ để kê khai theo quy định thì khóa sổ, ghi nhận hiện trạng để bàn giao đất cho chủ đầu tư. Mọi tranh chấp khiếu nại phát sinh sẽ xem xét giải quyết theo quy định. Sau đó UBND TP đã giao Sở Tư pháp thẩm định về đề nghị của Hội đồng thẩm định bồi thường TP. Quan điểm của Sở Tư pháp là khi thu hồi đất của người dân dù vắng chủ thì vẫn phải tiến hành lập hồ sơ bồi thường và gửi tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc kho bạc (việc gửi vào ngân hàng hay kho bạc do Sở Tài chính đề xuất). Việc này đã được UBND TP chấp thuận và đến tháng 4-2014 thì Sở Tài chính đã có hướng dẫn quận Bình Tân nộp tiền bồi thường vào tài khoản của kho bạc.

Tiền lãi đã được chuyển vào ngân sách thành phố

Ông Hùng cho biết công tác thanh tra của Thanh tra TP hoàn tất trước khi có hướng dẫn nộp tiền tiết kiệm của người dân vào kho bạc của Sở Tài chính.

Ngay sau khi có kết luận thanh tra, UBND quận Bình Tân đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm các tập thể và cá nhân có liên quan. Theo báo cáo của Ban BTGPMB quận Bình Tân, trong 153 trường hợp đất vắng chủ hiện có bốn trường hợp xác định được chủ sử dụng. Quận Bình Tân đã thực hiện thủ tục chuyển tài khoản sang tên chủ sử dụng theo quy định. Các trường hợp còn lại, quận Bình Tân lập thủ tục mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước quận Bình Tân. Đồng thời tiến hành rà soát các trường hợp đã lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ mà chưa xác định chủ sử dụng (bao gồm cả 149 trường hợp vắng chủ) và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để xác định người sử dụng. Sau năm năm kể từ ngày thông báo mà không xác định được người sử dụng đất thì sẽ xin ý kiến chuyển số tiền bồi thường, hỗ trợ vào ngân sách nhà nước.

Trước đó (tháng 3-2014), Ban BTGPMB quận Bình Tân cũng đã có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị hướng dẫn việc xử lý số lãi phát sinh trong quá trình mở sổ tiết kiệm đứng tên ông Hùng và UBND các phường. Theo hướng dẫn của Sở Tài chính, toàn bộ số tiền lãi phát sinh đã được chuyển vào ngân sách TP theo tài khoản của sở này đề nghị.

Tiền của người khác mà tôi đứng tên là không đúng nhưng vì trách nhiệm tôi phải làm thôi. Tôi cũng không dám để người nào khác trong Ban đứng tên vì bản thân tôi cũng không yên tâm và cũng nếu lỡ thất thoát thì hậu quả cũng rất lớn. Việc đứng tên trong sổ tiết kiệm của người dân là điều tôi không muốn và dự án chậm thực hiện cũng là trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi buộc phải thực hiện thôi.

Ông LÊ VĂN HÙNG, Trưởng ban BTGPMB quận Bình Tân

Trong trường hợp này, anh Hùng không thể không làm vì dự án cũng không thể dừng lại và anh Hùng đã làm hết trách nhiệm. Vì yêu cầu công việc chứ bản thân anh Hùng cũng không muốn đứng tên trên các sổ tiết kiệm này. Tại cuộc họp của UBND TP ngày 18-9, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo quận Bình Tân rút kinh nghiệm về việc này. Đồng thời yêu cầu 24 quận, huyện rà soát lại và chấm dứt việc để tên cá nhân cán bộ bồi thường đứng tên trên sổ tiết kiệm của người dân, kể cả trường hợp vắng chủ sử dụng đất.

Ông NGUYỄN GIA THÁI BÌNH,
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm