Điều tra: CSGT, TTGT 'làm luật' trên sông Đồng Nai

Vụ 'làm luật' trên sông: Bình Dương tạm đình chỉ 3 cảnh sát

Liên quan đến phóng sự điều tra “CSGT, TTGT “làm luật” trên sông Đồng Nai”, ngày 2-4, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã tạm đình chỉ ba cán bộ cảnh sát đường thủy thuộc Đội Cảnh sát đường thủy để xác minh, làm rõ.

Tiền kẹp vào sổ trước khi trình cho thanh tra giao thông và cảnh sát
đường thủy trên sông Đồng Nai. Ảnh: T.SANG - V.HỘI

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương, ngay sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài điều tra “CSGT, TTGT “làm luật” trên sông Đồng Nai”, trong đó có phản ánh canô của Công an tỉnh Bình Dương có dấu hiệu sai phạm, ban giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo xác minh.

Bước đầu, Phòng CSGT công an tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác hai tháng đối với ba cảnh sát đường thủy trong tổ tuần tra trên tuyến sông Đồng Nai. Đồng thời, Phòng CSGT cũng đã lập tổ xác minh để làm rõ các hành vi sai phạm như báo phản ánh, sau đó sẽ tiến hành xử lý theo quy định.

“Trong ba cán bộ, chiến sĩ này không có lãnh đạo đội. Nếu thật sự có sai phạm, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm. Sai phạm đến đâu xử lý đến đó” - lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương nói.

Trước đó, ngày 1-4, trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đã chỉ đạo phòng CSGT xác minh thông tin mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh. Khi nào có kết quả, phía Công an tỉnh Bình Dương sẽ thông tin cho báo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Đội Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương có 10 cán bộ, chiến sĩ, gồm một đội trưởng, một đội phó và tám cán bộ, chiến sĩ.

Đội Cảnh sát đường thủy phụ trách bốn tuyến sông gồm: Sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính. Do tuyến sông Bé ít phương tiện qua lại nên cả đội tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trên ba tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính.

Hằng ngày, đội chia làm ba tổ luân phiên tuần tra, kiểm soát và trong nhiều tháng, PV ghi nhận các cảnh sát đường thủy sử dụng canô quần đảo trên sông Đồng Nai ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, kiểm tra các phương tiện thủy một cách chớp nhoáng, thời gian chỉ tính bằng giây.

Trong những ngày có mặt trên các tàu, sà lan chở vật liệu xây dựng, chúng tôi ghi nhận hình ảnh các tài công, chủ tàu kẹp tiền vào sổ trước khi trình cho CSGT và TTGT. Sau ít giây “kiểm sổ”, lực lượng thi hành công vụ trả lại sổ thì các tờ tiền trong đó không còn.

Cũng liên quan đến quy trình kiểm sổ chớp nhoáng này, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã tạm đình chỉ ba cán bộ thanh tra Đội TTGT số 5 thuộc Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai. Ba người này phụ trách khu vực mà báo phản ánh.•

 

Đừng để cái sai trở nên phổ biến

Từ khi khởi đăng loạt bài điều tra, Pháp Luật TP.HCM nhận nhiều phản hồi từ bạn đọc, bày tỏ ý kiến xung quanh việc kiểm sổ chớp nhoáng của CSGT, TTGT.

Bạn đọc Tiến Trần bình luận: Tài công kẹp tiền vào sổ đưa cho CSGT, TTGT. Vậy là CSGT, TTGT kiểm tra tiền chứ không phải kiểm tra tàu thuyền... Việc kiểm tra giữa dòng sông, nếu không có ống kính của phóng viên thì đố ai biết được.

“Người chấp pháp lại tự làm ra “luật” để phạm pháp. Đáng nói, không phải một mà đến cả hai lực lượng là CSGT, TTGT cùng vi phạm” - bạn đọc Chí Dũng nêu ý kiến.

“Đối với giao thông đường thủy thì địa bàn hoạt động rộng, vắng vẻ nên CSGT đường thủy có vẻ ít bị giám sát hơn chăng?” - bạn đọc Trung Nguyên Công đặt câu hỏi.

Bạn đọc Hoàng Nguyên cho rằng: “Các sà lan chở quá tải mà họ vẫn nhận tiền rồi làm ngơ cho việc vi phạm. Lực lượng CSGT, TTGT đang tiếp tay cho người làm sai...”.

Còn bạn đọc tên Thái Thu bày tỏ: “Người nào làm sai thì đưa tiền để che đậy. Người làm đúng đưa tiền để yên thân. Cuối cùng nếu có tai nạn đường thủy thì ai là người bị thiệt hại”.

Nhiều bạn đọc cũng mong cơ quan chức năng rà soát, xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm, chấn chỉnh tình trạng CSGT, TTGT nhận tiền làm ngơ vi phạm, tiếp tay cho người làm sai.

“Đừng biến cái bất thường, vi phạm thành cái bình thường. Đừng để cái sai phạm trở nên phổ biến. Yêu cầu chấn chỉnh ngay và luôn!” - bạn đọc Hoàng Anh nêu.

TRÚC PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm