Vụ phá rừng nuôi bò: Lo ngại tẩu tán gỗ

Sáng 2-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh (Phú Yên), cho biết trong ngày các lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm dừng các hoạt động thực địa của dự án xóa rừng nuôi bò tại hai tiểu khu rừng 310, 311 thuộc xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh.

Cùng ngày, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho hay Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở thực hiện các yêu cầu của UBND tỉnh về tạm dừng ngay các công việc đang triển khai của dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao do Công ty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên làm chủ đầu tư.

Mở đường đưa gỗ ra bên ngoài?

Theo ghi nhận của PV, trong ngày 2-4, tiếng cưa máy cắt gỗ đã không còn réo lên tại trong những vạt rừng tại hai tiểu khu 310, 311 như những ngày trước. Hầu hết nhân công đã rút ra ngoài.

Hiện trường lúc này là hàng chục hecta rừng tại tiểu khu 310 đã bị tan hoang. Từ ngoài đường nhìn vào cũng thấy gỗ bị cưa hạ nằm la liệt khắp nơi. Nhiều gốc cây có đường kính trên 50 cm vừa bị đốn chặt, có gốc nhựa còn mới toanh, dù đã khô nhưng vẫn còn “rỉ máu”.

Nhiều người dân địa phương cho hay sau khi báo chí đến ghi nhận cảnh công khai triệt hạ rừng, cùng với việc cho cưa lốc để phát trắng rừng, đơn vị thực hiện việc khai thác cũng huy động một xe múc cùng một xe cơ giới loại leo núi mở một con đường từ khu rừng ra bên ngoài.

Ông NVĐ (ngụ thôn Lương Phước, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, Phú Yên) làm nghề đánh lưới trên hồ thủy điện Sông Hinh kề khu rừng đang khai thác cho biết: “Suốt mấy ngày qua, xe múc phá tan cây cối, lấp đất tạo một con đường nối từ khu rừng bị chặt hạ ra bên ngoài. Không biết có phải họ đang tìm cách tẩu tán gỗ lớn để đối phó với các cơ quan trung ương về kiểm tra hay không”. Dù tạm ngưng các hoạt động nhưng hiện chiếc xe múc và xe cơ giới vẫn còn nằm trong khu rừng trên.

Xe múc vào sâu bên trong tiểu khu rừng 310 thuộc huyện Sông Hinh để mở đường. Ảnh: TL

Theo một nguyên hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh, lâu nay trên thực tế không có đường bộ để đi vào hai tiểu khu 310, 311. Muốn vào hai tiểu khu rừng trên phải đi nhờ trên bờ đập hồ thủy điện Sông Hinh. Tuy nhiên, Nhà máy thủy điện Sông Hinh cấm tất cả loại ô tô vận chuyển hàng hóa đi trên bờ đập. Do đó, muốn đưa gỗ ra ngoài phải mở đường mới bên ngoài hồ thủy điện.

Để tìm hiểu thêm các vấn đề trên, PV đã nhiều lần liên lạc với ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, để đăng ký làm việc nhưng ông Minh đều từ chối trả lời tất cả câu hỏi.

Cho phát trắng rừng này là rất nguy hiểm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nhận định việc cho phá trắng rừng ở những khu vực này để thực hiện dự án nuôi bò là trái với tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, đặc biệt là ý kiến của Thủ tướng về đóng cửa rừng.

Ông Nguyễn Văn Chín, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nói: “Báo chí, nhân dân, các cán bộ hưu trí chúng tôi không phải phản đối dự án nuôi bò mà phản đối việc phá rừng phòng hộ để trồng cỏ nuôi bò. Chúng tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm những người liên quan đến việc cho phá rừng này”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, khẳng định hai tiểu khu 310, 311 trước đây là rừng phòng hộ đầu nguồn của thủy điện Sông Hinh. Các khu rừng này giáp hai tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa nên càng có vị trí đặc biệt xung yếu cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Lê Văn Hữu cũng nhấn mạnh đây là rừng đầu nguồn của ba con sông Thạch Thảo, Thị Nghè, C18. “Tôi khẳng định đây là rừng phòng hộ tự nhiên, được tái sinh, phát triển rất tốt. Ai nói 80% diện tích là cỏ tranh, cây bụi là không đúng. Mặt khác, các khu rừng này nằm sát cạnh hồ thủy điện Sông Hinh, nếu phát trắng, mưa lũ sẽ cuốn đất đá đổ xuống lấp hết hồ thủy điện Sông Hinh” - ông Hữu cảnh báo.

Tạm dừng dự án đến khi có ý kiến Thủ tướng

Ngày 1-4, Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng ngay các công việc đang triển khai của dự án, chờ đến khi có ý kiến của các bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời khẩn trương khắc phục những việc làm chưa tốt.

Cùng ngày, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã ký công văn hỏa tốc yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sông Hinh cùng các cơ quan liên quan rà soát lại những nội dung báo chí phản ánh. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh tạm dừng ngay các nội dung công việc đang triển khai của dự án trên thực địa.

Trước đó, chiều 31-3, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc truyền đạt chỉ lệnh của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra, làm rõ việc phá rừng để triển khai dự án nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-4.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.