Một trong những nhân chứng quan trọng của vụ án Phương Nga là bà Nguyễn Mai Phương. Trong ngày xét xử thứ ba (26-6), toà đã ra lệnh dẫn giải nhân chứng này đến toà sau hai ngày được triệu tập mà nhân chứng này không đến. Cuối ngày, bà Mai Phương đã được dẫn giải đến toà nhưng khi bà chưa được thẩm vấn thì phiên toà đã tạm nghỉ.
Trong ngày xử 26-6, diễn biến bất ngờ nữa là sự thay đổi lời khai của nhân chứng. Theo đó, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa, bạn trai từng chung sống như vợ chồng với bị cáo Dung bốn năm đã nói: "Tôi viết trong tường trình (khai ở CQĐT _PV) là không đúng, tôi không tin CQĐT, tôi để đến hôm nay mới nói lên sự thật trước toà”.
Nhân chứng Lư Minh Nghĩa tại toà -ảnh HY
Tại toà, nhân chứng Nghĩa nhiều lần xác nhận lời khai trong quá trình điều tra là sai sự thật và bị dẫn dắt có chủ đích... nên xin thay đổi lời khai. Trước diễn biến này, chủ toạ cũng nhận định lời khai của nhân chứng này tại toà có ảnh hưởng rất lớn đến vụ án. Toà muốn Nghĩa cam kết lời khai của mình đúng sự thật và chịu trách nhiệm.
Vậy trách nhiệm pháp lý của người làm chứng đối với lời khai của mình theo luật định như thế nào.
Theo luật, lời khai nhân chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng. Bởi người làm chứng nắm được diễn biến của vụ án góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan. Tuy nhiên những lời khai của người làm chứng đều cần phải xác minh lời khai này có đúng sự thật hay không. Vì các lời khai này có thể vì lý do vào đó không đúng, sai sự thật do không nhớ rõ, không nhớ đúng hoàn toàn, suy diễn theo chủ quan, ngại phiền phức hoặc thù oán mà khai thêm hoặc bớt, thiếu chính xác...
Cũng không ít trường hợp ban đầu khai không đúng nhưng sau vẫn giữ nguyên lời khai vì sợ bị đánh giá không trung thực, bị xử lý. Và những cá nhân nếu cố ý khai báo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hai bị cáo Nga - Dung tỏ ra khá vui sau khi nhân chứng Nghiã cho lời khai tại toà - ảnh HY
Luật sư Trần Hải Đức cho biết trong thực tiễn xét xử, khi người làm chứng vắng mặt, HĐXX có thể hoãn phiên tòa hoặc công bố lời khai đã có trong hồ sơ vụ án. Rất ít khi người làm chứng bị dẫn giải để trình bày lời khai trước phiên tòa.
Lời khai của người làm chứng là một trong những nguồn để được xác định là chứng cứ trong vụ án, là một trong những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Người làm chứng phải cam kết về lời khai của mình là đúng sự thật, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) về tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật.
Trong vụ án này, sự thay đổi lời khai của nhân chứng cũng chưa hẳn là căn cứ để cho rằng nhân chứng đã khai báo gian dối. Bởi khi thay đổi lời khai, họ đã nói rõ lý do vì sao trong giai đoạn điều tra thì họ khai khác, còn khi ra toà thì khai khác. Vì vậy, tình đến thời điểm này, có thể nói chưa có căn cứ để cơ quan tố tụng xem xét cá nhân chứng chứng có dấu hiệu khai báo gian dối.
Tuy nhiên, trong những ngày xử tới, nếu một nhân chứng nào đó có hành vi khai báo gian dối nhằm che giấu sự thật vụ án, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng thì có thể sẽ bị xem xét, xử lý về tội danh này.