Vụ sạt lở vùi ô tô ở Sóc Sơn: Homestay, biệt thự xây trong năm 2021, 2022

(PLO)- Tất cả các homestay, biệt thự quanh con đường bị sạt lở đất ở Sóc Sơn, Hà Nội đều được xây dựng sau hai năm TP Hà Nội ra kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất rừng…

Vụ sạt trượt đất đá tại con đường bê tông vùi lấp hàng chục ô tô xảy ra sáng 4-8 tại xóm Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, đã làm lộ ra hàng loạt homestay, công trình kiên cố xây dựng xâm phạm đất rừng tại khu vực này.

Lở đất đường tự mở, lộ mặt công trình băm nát rừng

Theo tìm hiểu của PLO, con đường bê tông nơi diễn ra sự cố do các chủ homestay, biệt thự tại khu vực này tự mở. Đường rộng khoảng 6 m, dài 600 m, chạy từ dưới chân núi lên đến giữa thân núi, như một con dốc thẳng đứng, có đoạn độ dốc lên tới 45 độ.

Hàng loạt Homestay, biệt thự với kiểu kiến trúc nhà lầu, bể bơi, sân vườn xây dựng trên đất trồng rừng vào giai đoạn các năm 2021 và 2022. Ảnh: Trọng Phú

Hàng loạt Homestay, biệt thự với kiểu kiến trúc nhà lầu, bể bơi, sân vườn xây dựng trên đất trồng rừng vào giai đoạn các năm 2021 và 2022. Ảnh: Trọng Phú

Báo cáo đánh giá sau sự cố của UBND huyện Sóc Sơn, cho biết một trong những nguyên nhân gây ra vụ sạt lở là do nước từ đỉnh núi chảy xuống, kéo theo nhiều bùn đất khiến hàng loạt xe sang của khách nghỉ tại các homestay đỗ bên đường bị bùn, đất vùi lấp ngang thân.

Hiện quanh đoạn đường bê tông xảy ra sự cố có bốn homestay, biệt thự đã hoàn thiện, xây dựng kiên cố theo kiến trúc nhà lầu, bể bơi, sân vườn.

Phần diện tích xây dựng khoảng 300-400 m2, trong khuôn viên rộng hàng nghìn m2. Có công trình đã treo biển đón khách và quảng cáo nhận khách nghỉ dưỡng với giá phòng khoảng 10 triệu đồng/ngày đêm cho lượng khách từ 20-25 người.

Vụ sạt lở đất rừng Sóc Sơn vùi lấp hàng chục xe sang đã làm lộ ra nhiều công trình băm nát đất rừng. Ảnh: Trọng Phú

Vụ sạt lở đất rừng Sóc Sơn vùi lấp hàng chục xe sang đã làm lộ ra nhiều công trình băm nát đất rừng. Ảnh: Trọng Phú

Ngoài ra còn hai công trình khác, một là ngôi nhà đã hoàn thiện nằm ở điểm cao nhất của tuyến đường bê tông. Một công trình dạng biệt thự, nhà vườn đang được xây dựng dang dở nằm ở điểm vào bên tay phải của con đường.

Người dân địa phương cho biết các công trình này đều được xây dựng vào giai đoạn 2021-2022. Con đường bê tông nơi xảy ra sạt lở đất cũng được làm trong giai đoạn này.

Ảnh chụp vệ tinh khu vực xóm Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, vào tháng 2-2021, khu vực này vẫn còn là mảng rừng xanh mướt, chỉ có 1 - 2 dãy lều, lán dựng tạm.

Ảnh chụp vệ tinh khu vực xóm Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, vào tháng 2-2021, khu vực này vẫn còn là mảng rừng xanh mướt, chỉ có 1 - 2 dãy lều, lán dựng tạm.

Ảnh chụp hiện trạng xóm Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, ngày 9-8, hàng loạt biệt thự, homestay đã được xây dựng hoàn thiện trên đất trồng rừng. Ảnh: Trọng Phú

Ảnh chụp hiện trạng xóm Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, ngày 9-8, hàng loạt biệt thự, homestay đã được xây dựng hoàn thiện trên đất trồng rừng. Ảnh: Trọng Phú

Ảnh chụp vệ tinh khu vực này các giai đoạn cũng cho thấy vào tháng 2-2021, khu vực này vẫn là mảng rừng xanh mướt, phía dưới chỉ có 1-2 công trình lều lán tạm.

Tuy nhiên, đến tháng 12-2021, đã có hàng loạt công trình mọc lên tại khu vực, trong đó có những công trình được xây dựng với các hạng mục nhà lầu, bể bơi, sân vườn. Đến tháng 10-2022, ảnh chụp vệ tinh cho thấy các công trình đã gần như hoàn thiện và có quy mô như hiện nay.

Như vậy, có thể thấy toàn bộ các homestay, biệt thự, sân vườn này đều được xây dựng sau khi TP Hà Nội thực hiện hàng loạt cuộc thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng đất rừng ở Sóc Sơn, trong đó đặt trọng tâm vào xã Minh Trí, Minh Phú…

Xin tạm hoãn tháo dỡ nhà vi phạm vì có người... bị bệnh

Trước đó trả lời PLO ngày 7-8, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết con đường bê tông nơi xảy ra sự cố sạt lở do “người dân tự ý làm, không nằm trong quy hoạch và không được cấp có thẩm quyền cấp phép”. Hiện chính quyền địa phương đã cho cưỡng chế con đường này…

Một homestay bên con đường bê tông bị sạt lở đất ở xóm Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) đã treo biển hoạt động, quảng cáo đón khách nghỉ dưỡng. Ảnh: Trọng Phú

Một homestay bên con đường bê tông bị sạt lở đất ở xóm Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) đã treo biển hoạt động, quảng cáo đón khách nghỉ dưỡng. Ảnh: Trọng Phú

Đối với các công trình là homestay, biệt thự xây dựng quanh con đường, ông Ngọc cho hay đây là khu vực quy hoạch đất rừng, có chồng lấn với một phần đất ở. “Công trình xây dựng trên đất rừng thì chắc chắn là sai phạm. Chính quyền địa phương đã cho rà soát để phân định ranh giới giữa đất ở với đất rừng để xử lý” - ông Ngọc nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết với công trình nằm ở đỉnh dốc của con đường bê tông bị sạt lở, từ tháng 8-2022, huyện đã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm, ban hành kế hoạch cưỡng chế phá dỡ nhưng chủ nhà có đơn xin tạm hoãn, do có người bị bệnh nặng. Dự kiến đến tháng 8 này huyện sẽ tiếp tục cưỡng chế. Đối với các công trình còn lại, ông Ngọc cho hay địa phương đang rà soát.

Và nhiều biệt thự, nhà vườn khác mọc lên trên đất rừng. Ảnh: Trọng Phú

Và nhiều biệt thự, nhà vườn khác mọc lên trên đất rừng. Ảnh: Trọng Phú

Ngày 9-8, sau khi nhận được phản ánh của PLO về việc các homestay, biệt thự mới mọc quanh con đường bê tông bị sạt lở đều được xây dựng trong giai đoạn 2021-2022, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã có thông tin lại về hoạt động xâm phạm đất rừng tại khu vực này.

Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn cho biết toàn bộ các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại đây đều đã được chính quyền địa phương nắm bắt, lập hồ sơ xử lý. Thời gian lập hồ sơ xử lý vi phạm đều diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10-2021, khi các công trình mới thi công phần móng.

UBND huyện Sóc Sơn thông tin những công trình này… đều có hành vi vi phạm hành chính là “chuyển đổi đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép…”. Tuy nhiên cho đến nay, các công trình này đều đã hoàn thiện, quy mô bề thế với nhà lầu, bể bơi, sân vườn, đường dạo…

Thông tin thêm về các sai phạm tại đây, đại diện huyện Sóc Sơn cho biết, trong số các công trình hiện có trên đất vi phạm mới có một công trình đủ điều kiện ban hành quyết định cưỡng chế. Các trường hợp còn lại, do nguồn gốc đất đang chồng lấn, vừa qua mới xác định được xong và đủ điều kiện để xử lý.

“Vì có việc chồng lấn giữa đất ở, đất nông nghiệp cũng như đất vườn quả nên chưa xác định rõ hành vi. Vừa rồi mới xác định rõ hành vi nên mới triển khai các bước tiếp theo” - đại diện UBND huyện Sóc Sơn thông tin.

Hàng trăm công trình vi phạm, nhiều cán bộ bị kỷ luật

Tháng 3-2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó nêu rõ hàng trăm trường hợp vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.

Liên quan đến các sai phạm này, hàng loạt cán bộ của huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008-2018 đã bị xử lý vi phạm. Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã có quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn; cảnh cáo đối với các ông Vương Văn Bút , Tạ Văn Đạo nguyên là Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn.

Cùng với đó, UBND huyện Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật đối với 80 trường hợp. Trong đó, không kỷ luật (vì sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật) là 19 trường hợp; không kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh) 22 trường hợp; khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp, và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.

Tuy nhiên việc thanh tra, xử lý cán bộ không làm cho tình trạng “xẻ thịt” rừng Sóc Sơn bị dừng lại. Báo cáo của huyện Sóc Sơn cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, có 187 công trình sai phạm. Trong năm 2022, có 245 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021 đã xử lý hơn 300 trường hợp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm