Vụ tranh Biển chết: 13 năm vẫn lơ mơ bản quyền

“Nhìn một bức ảnh rồi vẽ lại thì có đụng chạm ai đâu mà phải xin phép? Tác giả ảnh không nói năng chi thì vì sao phạt?”... Đó là các ý kiến khi xảy ra vụ họa sĩ Nguyễn Nhân bị kỷ luật và thu hồi bức tranh Biển chết do sao chép tác phẩm nhiếp ảnh của một tác giả khác.

Muốn “phái sinh”, phải xin phép

. Phóng viên: Thưa luật sư, việc vẽ một bức tranh dựa trên hình ảnh của một bức ảnh chụp thì có vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT)?

+ Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh: Theo Luật SHTT năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, tác phẩm nhiếp ảnh được bảo hộ quyền SHTT. Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền tài sản như “làm tác phẩm phái sinh”, “sao chép tác phẩm”, “truyền đạt tác phẩm đến công chúng”...

Luật quy định tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền này thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Vì vậy, làm tác phẩm phái sinh mà không xin phép là một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả, theo Điều 28 Luật SHTT.

. Hiểu thế nào là tác phẩm phái sinh, về phóng tác, cải biên, chuyển thể?

+ Tác phẩm phái sinh, theo Luật SHTT, là “tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”.

Quy định hiện hành không nói rõ thế nào là phóng tác, cải biên, chuyển thể. Ngay cả Công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 26-10-2004) cũng không giải thích cụ thể, không đưa ra ví dụ các trường hợp phóng tác, cải biên, chuyển thể. Tuy nhiên, từ rất lâu Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả năm 1994 (hiện hết hiệu lực) đã có quy định “Tác phẩm phóng tác là tác phẩm được sáng tạo ra dựa theo nội dung của một tác phẩm khác”, “Tác phẩm cải biên là tác phẩm viết lại từ một tác phẩm đã có”, “Tác phẩm chuyển thể là tác phẩm chuyển từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình nghệ thuật khác”.

Bức tranh sơn dầu Biển chết của họa sĩ Nguyễn Nhân bị khẳng định là vi phạm bản quyền. Ảnh tư liệu

Hiểu nôm na, vẽ bức tranh từ một bức ảnh là phóng tác, chuyển từ tiểu thuyết thành một bộ phim, ví dụ phim Harry Potter, phim Chạng vạng… là chuyển thể từ tiểu thuyết. Muốn làm tác phẩm phái sinh thì trước hết phải xin phép, còn trả tiền hay không, trả bao nhiêu tiền… là thỏa thuận của các bên.

Trong một tác phẩm phái sinh, có sự sao chép từ tác phẩm gốc có thể là chép y nguyên hoặc chỉ lấy những nội dung gọi là “cốt truyện”…

Ai sở hữu tác phẩm đoạt giải?

. Nhiều người thắc mắc khi xảy ra vi phạm bản quyền, đơn vị tổ chức giải có quyền tịch thu tác phẩm đoạt giải hay không? Đơn vị này có quyền sở hữu với tác phẩm ấy?

+ Người chụp ảnh, người vẽ tranh là tác giả, đương nhiên giữ quyền nhân thân, là tác giả, được đứng tên tác phẩm, đặt tên tác phẩm, bảo vệ toàn vẹn tác phẩm... Bên cạnh quyền nhân thân thì họ còn có quyền tài sản, mà quyền này có thể thuộc về tác giả hoặc thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả.

Luật SHTT có Điều 37 quy định tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân và các quyền tài sản. Điều 39 quy định tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả, tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm... là chủ sở hữu quyền tài sản. Ví dụ, họa sĩ vẽ tranh làm việc cho một công ty mỹ thuật, được công ty trả lương để vẽ thì bức tranh vẽ ra thuộc sở hữu của công ty chứ không phải của tác giả.

Trong trường hợp cuộc thi Sáng tác mỹ thuật tỉnh Trà Vinh năm 2016, có thông tin rằng tác giả vẽ tranh có nhận kinh phí sáng tác. Cần xem lại thể lệ cuộc thi mới biết nó có quy định rõ bức tranh, ảnh sẽ thuộc về đơn vị tổ chức hay không mới xác định được ai là chủ sở hữu và được quyền nắm giữ bức tranh.

. Xin cám ơn luật sư.

Thỏa thuận thì vẫn phải chịu phạt

Có ý kiến thắc mắc rằng trường hợp chủ nhân ảnh gốc không ý kiến thì hà cớ gì ta lại… làm khó người phóng tác; có cần thiết phải do tác giả lên tiếng hay bất cứ ai phát hiện vi phạm đều có thể báo với cơ quan chức năng?... Theo quy định, tác giả, chủ sở hữu bị vi phạm quyền thì có quyền yêu cầu cơ quan quản lý xử lý, đồng thời có quyền kiện ra tòa để yêu cầu người vi phạm xin lỗi, trả nhuận bút, thù lao và các quyền lợi khác. Hành vi vi phạm có thể được phát hiện, tố cáo bởi bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Bởi lẽ khoản 3 Điều 14 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định: “Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính”.

Lưu ý rằng trường hợp sau khi phát hiện có vi phạm, hai bên tác giả - người vi phạm gặp gỡ, thỏa thuận được với nhau thì việc thỏa thuận ấy chỉ giải quyết về mặt dân sự, hoàn toàn không làm cơ sở để miễn trách nhiệm về hành chính. Do đó, hành vi vi phạm quyền tác giả đã xảy ra vẫn bị xử lý. Tuy nhiên, việc bên vi phạm gặp tác giả để thỏa thuận có thể được xem là một tình tiết giảm nhẹ để mức tiền bị phạt sẽ thấp hơn.

Luật sư NGUYỄN NHẬT THÙY VÂN,
Văn phòng luật sư A Hòa

__________________________________

Hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Kèm theo đó, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số.

(Theo Điều 12 Nghị định 131/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm