Vụ tranh chấp quyền mai táng hy hữu: Người tố cáo lên tiếng

(PLO)- Theo em gái của người đàn ông trong vụ tranh chấp quyền mai táng ở Đắk Nông, gia đình yêu cầu làm rõ người thừa kế tài sản người mất để lại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-10, bà NTTN (39 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Phúc) có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về lý do bà làm đơn tố cáo, yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của anh trai bà là ông NBT (sinh năm 1974, ngụ xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông).

Ông T. mất cách đây hơn ba tháng, vừa được khai quật để khám nghiệm tử thi phục vụ điều tra nguyên nhân cái chết sau khi có tố giác tội phạm từ mẹ ông mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh. Mẹ ông T. cũng yêu cầu được đưa thi hài ông về quê Vĩnh Phúc mai táng trong khi vợ ông đã chôn cất hơn ba tháng nay ở Đắk Nông.

Người thân muốn làm rõ người thừa kế tài sản

tranh chấp.jpg
Ảnh cưới giữa bà S. với ông T chụp năm 2008. Ảnh: NVCC

Theo bà N., năm 2008, anh trai bà chung sống với bà TTNS (47 tuổi) nhưng gia đình ở Vĩnh Phúc không đứng ra tổ chức đám cưới.

“Kết quả kiểm tra hồ sơ lưu tại huyện Đắk Mil cho thấy anh tôi chưa hề kết hôn với bất người phụ nữ nào. Ngay cả bà S. cũng không đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Đắk Lao. Bà ấy hiện đang ở thị trấn Đắk Mil. Điều này cũng có nghĩa không có cơ sở để khẳng định bà S đi khai sinh cho con mình được” - bà N. nói.

Bà N. nói gia đình bà nghi ngờ cái chết bất thường của anh trai mình. “Trước khi từ Vĩnh Phúc vào Đắk Nông, sức khỏe anh ấy hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì cả. Anh tôi không hề có bệnh lý nào. Đột nhiên, chúng tôi nhận được thông tin anh chết khiến cả nhà ai cũng bất ngờ, hoài nghi. Do đó, chúng tôi buộc phải đề nghị cơ quan công an khai quật mộ để điều tra nguyên nhân cái chết" - bà N. nói.

Cũng theo bà N., bà cũng là người quản lý trực tiếp cơ sở kinh doanh, xưởng mộc của ông T. Bà cũng là người mua bảo hiểm nhân thọ cho anh trai mình suốt 10 năm qua.

Bà N. nói anh trai bà chết để lại nhiều tài sản, trị giá gần 10 tỉ đồng. Trong đơn, bà N. yêu cầu tất cả tài sản ở xưởng mộc phải phân chia theo thừa kế. Đồng thời, gia đình bà N. sẵn sàng đón hai con của ông T. về nuôi dưỡng ở Vĩnh Phúc.

“Ngoài việc yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của anh tôi, gia đình tôi còn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nhiều vấn đề khác. Đó là bà S. có phải là vợ của anh trai tôi hay không? Nếu đúng là vợ thật sự thì bà ấy có đóng góp gì cho khối tài sản hiện có của anh tôi hay không? Bà ấy có làm việc hàng ngày, có chăm sóc con đàng hoàng hay không? - bà N. nói.

Vợ người đã mất: "Chúng tôi có tổ chức đám cưới"

Trong khi đó, theo bà TTNS, năm 2008 bà và ông T. tổ chức đám cưới rồi có với nhau hai con. Bà S. nói trước ngày chồng bà mất, tình cảm gia đình vẫn rất êm ấm, hòa thuận.

Để chứng minh việc này, bà S. đưa ra nhiều ảnh cưới mà bà nói chụp năm 2008. Ngoài hình ảnh vợ chồng bà S. còn có hình ảnh bố bà S. và bố ông T.

“Chúng tôi đã tổ chức đám cưới, có đăng ký kết hôn nhưng không hiểu sao trong giấy đăng ký kết hôn lại không có chữ ký của hai vợ chồng. Tuy nhiên, trong giấy khai sinh của các con, chúng tôi đều khai sinh đầy đủ tên bố mẹ” - bà S nói thêm.

Như PLO đã phản ánh, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông nhận được đơn của mẹ ông T. đề nghị làm rõ nguyên nhân cái chết của ông. Mẹ ông T. ủy quyền cho con gái là bà N. giải quyết vụ việc.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông, qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định ông T. không có dấu hiệu bị tác động ngoại lực trước khi chết. Tuy nhiên, để làm rõ nguyên nhân cái chết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khai quật tử thi để giám định.

Bà N. yêu cầu thi thể anh trai bà để đưa về quê chôn cất. Tuy nhiên, cơ quan công an giải thích khai quật tử thi ở đâu thì chôn lại đó. Bà N. cũng yêu cầu tuyệt đối không lấy mẫu xác định ADN.

Trong khi đó, bà S. và các con cũng gửi đơn yêu cầu các cơ quan tham gia việc khai quật, khám nghiệm tử thi phải thực hiện đúng quy định pháp luật khi tiến hành khai quật, khám nghiệm tử thi chồng bà.

Gia đình bà S. yêu cầu phải nhanh chóng chôn cất ông T. lại vị trí cũ ngay sau khi khám nghiệm tử thi, tuyệt đối không di chuyển hài cốt đi nơi khác hoặc giao cho người khác. Trường hợp cố tình di chuyển, giao hài cốt ông T. cho người khác, gia đình bà S. sẽ yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm