Vụ Vimedimex: VKS nói không vi phạm tố tụng, không có chuyện tài liệu giả

(PLO)- Đối đáp với luật sư của cựu chủ tịch Vimedimex, đại diện VKS dẫn các bằng chứng thể hiện không có việc vi phạm tố tụng, không có chuyện tài liệu, chứng cứ giả. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-4, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu chủ tịch Vimedimex cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Nội.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào chiều 22-4.

Vimedimex (5).jpg
Đại diện VKS tại phiên tòa Vimedimex. Ảnh: CTV

Không có vi phạm tố tụng

Đại diện VKS đã tham gia đối đáp với luật sư bào chữa về các quan điểm luận tội, gỡ tội cho các bị cáo. VKS khẳng định việc bắt giữ đối với bị cáo Loan là khẩn cấp, được tiến hành đúng pháp luật, việc lấy lời khai ngay sau khi bắt là cần thiết và đây chỉ là lấy lời khai, không phải là hỏi cung. Bộ luật Tố tụng Hình sự chỉ cấm không cho phép hỏi cung vào ban đêm.

Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ mà bị cáo Loan nói rằng bị làm giả nhưng đều có chữ ký của bị cáo. Về việc hồ sơ vụ án có 20 bút lục có chữ ký của điều tra Bùi Đức Hiếu mà bị cáo Loan nói là không phải điều tra viên lấy cung, VKS cho hay, CQĐT có quyết định phân công 27 điều tra viên tham gia vụ án, có điều tra viên Bùi Đức Hiếu đứng ở số thứ tự số 9.

Tại phiên tòa, đa số bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận hành vi đúng như bản cáo trạng đã truy tố. Chỉ có 2 bị cáo kêu oan là bị cáo Nguyễn Thị Loan và Trần Công Tuyên (cựu trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BQL dự án huyện Đông Anh).

Quá trình điều tra, bị cáo Loan có 14 lời khai thừa nhận xuất phát từ đề xuất của bị cáo Nguyễn Quang Hưng (cựu phó tổng giám đốc Vimedimex) trình phương án đấu giá, các bước để 3 công ty tham gia để trúng đấu giá, bị cáo Loan đã đồng ý và chỉ đạo các cán bộ dưới quyền triển khai thực hiện. Lời khai này cũng đã được xác nhận qua đối chất giữa bị cáo Loan và bị cáo Hưng.

Ngoài ra, đại diện VKS còn viện dẫn email của bị cáo Loan trả lời email của bị cáo Hưng về việc đồng ý với đề xuất của Hưng và chỉ đạo, chuẩn bị cho công tác đấu giá của 3 công ty (Bắc Từ Liêm, Mỹ Đình, Thanh Trì) cũng như căn cứ vào dòng tiền để đặt cọc nộp đấu giá.

Bị cáo Trần Công Tuyên cho rằng bị cáo không phạm tội, bị cáo chỉ tham khảo giá để báo cáo lãnh đạo mà không có chuyên môn về giá, không tham gia đấu giá…

Đại diện VKS đặt câu hỏi: Mặc dù bị cáo khai không có kiến thức về giá đất, nhưng khi Công ty tư vấn thẩm định giá Vvai đưa ra mức giá đất tư vấn thì bị cáo lại yêu cầu hạ mức giá xuống là nhằm động cơ, mục đích gì?

Trên cơ sở phân tích này, đại diện VKS tiếp tục khẳng định quan điểm việc bị cáo Tuyên chỉ đạo nhân viên trao đổi với đối tác để hạ mức giá khởi điểm là một trong chuỗi các hành vi để dìm giá.

Vimedimex.jpg
Các luật sư tham gia bào chữa. Ảnh: CTV

Có hay không bỏ lọt tội phạm?

Trước đó, trong phần xét hỏi và tranh luận, các luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Loan nêu ra vấn đề có hay không chuyện bỏ lọt tội phạm. Luật sư cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với một số người trong Hội đồng định giá của UBND TP Hà Nội. Việc định giá khởi điểm để đấu giá đất thấp hơn thực tế thuộc trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý Nhà nước; còn những đơn vị tham gia đấu giá chỉ biết trả giá. Thậm chí, luật sư kiến nghị tòa xem xét trách nhiệm của 7 người thuộc các sở, ngành của Hà Nội.

Theo cáo buộc, quá trình định giá đất, các bị cáo thẩm định viên đã không làm đúng quy định mà theo đề nghị của bị cáo Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy (nhân viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp BQL dự án Đông Anh) cố ý hạ giá trị khu đất. Trong phần tranh luận, bị cáo Tuyên đã đặt câu hỏi: “Tại sao bị cáo lại thực hiện hành vi này khi không có một lợi ích thực thế nào?”. Bị cáo cho rằng bản thân bị cáo không thể dìm giá đất, BQL dự án không có vai trò trong việc xác định giá đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm