(PLO)- “Cho đến khi tận tai nghe những người xung quanh mình kể về nỗi đau bị xâm hại của họ, chúng mình mới tin xâm hại tình dục không phải chỉ xảy ra ở những nơi nào đó mà đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, với bất cứ ai, có thể là ngay bên cạnh mình.
Buổi thực hành kỹ năng tự vệ khi bị xâm hại tình dục do nhóm We Matter tổ chức mới đây.
Họ đã cố gắng vượt qua tổn thương để sống vui vẻ, nhưng nỗi đau có thật sự biến mất? Không, trong lời kể vẫn có sự sợ hãi và nỗi đau chưa thể vơi đi. Và chúng mình tự hỏi: Sao không làm gì đó để ngăn những tổn thương ngay từ khi chúng đang manh nha làm cuộc đời chúng ta trở nên tồi tệ?”, bạn Nguyễn Thị Yến Nhi chia sẻ về ý tưởng dự án “Nâng cao nhận thức về vấn đề xâm hại tình dục” của đội We Matter lọt vào top 5 dự án UPSHIFT 2017.
Nhi cho biết trước khi bắt tay vào làm dự án, nhóm đã khảo sát 300 người được nghe rất nhiều câu chuyện đau lòng khi không ít bạn là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Nhiều vụ việc vĩnh viễn rơi vào bế tắc hoặc im lặng do sự thỏa hiệp và nhận thức hạn chế của xã hội. Hoàng Yến, thành viên nhóm chia sẻ trước kia một bạn học của mình khi ôn thi đại học từng bị một thầy giáo vuốt tóc ngay trong lớp. Bạn này chỉ dám nói với một số ít bạn thân vì thầy giáo dạy giỏi và khá nổi tiếng trong trường và đang trong thời gian sắp thi cuối cấp.
Giải pháp mà bạn này chọn là đổi chỗ ngoài cùng để vào chỗ ở giữa ngồi. Không ngờ, thầy giáo lại tiếp tục ngồi phía trước mặt bạn gái ấy, nhìn lả lơi. Cảm giác bị quấy rối ấy vẫn ám ảnh bạn gái đến tận bây giờ. Yến bày tỏ: “Nhiều bạn không nhận thức được đó là hành vi xâm hại tình dục và cần phải phản ứng mạnh mẽ”.
Nhóm thuyết trình dự án tại buổi triển lãm
Clip được xây dựng dành cho đối tượng từ 12 – 17 tuổi với mục đích thúc đẩy giới trẻ tự nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn xâm hại tình dục hiện nay và chia sẻ những kĩ năng tự vệ khi gặp tình huống có thể bị xâm hại tình dục. Nhóm bạn trẻ đã ra mắt được chuỗi video clip Teens Matter bao gồm ba clip mô phỏng tình huống dễ bị xâm hại nhất ở ba môi trường chủ yếu: ở nhà, ngoài đường và ở trường học. Kèm theo các tình huống là bài dạy các thế võ tự vệ cơ bản để người xem có thể dễ dàng áp dụng cho bản thân trong thực tế.
Ngoài ra, nhóm còn tổ chức các buổi hội thảo để người tham gia chia sẻ câu chuyện của chính mình và lắng nghe giải pháp tâm lý từ chuyện gia, thực hành kỹ thuật tự vệ.
Ngày 26-8, Dự án UPSHIFT- VƯƠN LÊN đã tổ chức lễ tổng kết và triển lãm năm dự án xã hội hoàn thành xuất sắc quá trình huấn luyện và triển khai dự án trong giai đoạn một tại TP.HCM từ 1-4 đến 26-8-2017. Dự án “nâng cao nhận thức về vấn đề xâm hại tình dục” của đội We Matter đã vượt qua 82 dự án để lọt vào top 5 dự án xã hội nhận được đầu tư và hỗ trợ kỹ năng để đưa vào thực tiễn. Ngoài ra, bốn dự án khác gồm dạy Ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt cho người điếc tại Đồng Nai; xây dựng sân chơi cho trẻ em tự kỷ giúp các em hòa nhập cộng đồng; dạy kỹ năng mềm cho người điếc qua video; xây dựng thư viện sách điện tử chuyên ngành cho người khiếm thị. Đây cũng là dịp để các nhóm gặp gỡ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, mở rộng dự án hoặc các nguồn vốn mới giúp dự án phát triển lâu dài hơn, mang lại lợi ích cho cộng đồng nhiều hơn nữa.
Dự án UPSHIFT – VƯƠN LÊN là Chương trình huấn luyện khởi nghiệp có tác động thay đổi xã hội do Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE) tổ chức tại Việt Nam. UPSHIFT hướng tới giúp đỡ các bạn trẻ từ 14 – 24 tuổi, đặc biệt chú trọng đến các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương, bên lề xã hội trong đó có đối tượng khuyết tật có đầy đủ nền tảng và kỹ năng để khởi nghiệp xã hội. Khởi động đợt 1 năm 2017 tại thành phố Hồ Chí Minh, UPSHIFT đã tiếp cận gần 1000 bạn trẻ, lựa chọn ra 10 đội xuất sắc nhất tham gia trại huấn luyện kéo dài bốn ngày đã có năm dự án thuyết phục ban giám khảo thành công được đầu tư chạy thử trong ba tháng. |