Bộ Y tế: Sẽ đề nghị đưa kit test vào mặt hàng bình ổn giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước các ý kiến phản ánh về giá kit xét nghiệm COVID-19 (kit test) ở mức cao, bất thường, từ khuya 28-9 và trong sáng 29-9, Bộ Y tế đã ra liên tiếp hai thông cáo báo chí thông tin về vấn đề này.

Trình Chính phủ nghị định về quản lý trang thiết bị y tế

Bộ Y tế cho rằng không thể đánh đồng tất cả loại kit test với nhau cũng như không thể so sánh giá ở các thời điểm khác nhau vì phải phụ thuộc vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế.

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo Bộ Y tế, đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, bộ đã yêu cầu các đơn vị công khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng khẳng định đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi.

Đối với xét nghiệm trong các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu việc tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi, cụ thể giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan. Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Để tăng cường quản lý giá test nhanh, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm), trong đó yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch trong mua sắm đấu thầu. Sắp tới, Bộ Y tế tổng hợp ý kiến xong sẽ đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá bởi vì hiện nay mặt hàng này chưa được quy định trong luật.

Giá kit test ngày càng giảm

Bộ Y tế cho rằng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với chức năng quản lý nhà nước của mình, bộ đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để điều chỉnh giá xét nghiệm theo hướng ngày càng giảm chi phí.

Thứ nhất: Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn.

Ở thời điểm năm 2020 khi dịch bệnh trên thế giới có diễn biến phức tạp ở nhiều nước, nguồn cung và chủng loại test xét nghiệm COVID-19 rất hạn chế, nhu cầu ở thị trường các nước rất lớn khiến giá các loại test xét nghiệm còn ở mức cao (test xét nghiệm khoảng 200.000 đồng/test, test Real-time PCR gần 1 triệu đồng/test), Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/mẫu, test Real-time PCR là 734.000 đồng/mẫu.

Mức giá này được áp dụng cho tới trước ngày 1-7. Từ ngày 1-7, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được test kit nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi: Thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Thứ hai: Triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung test xét nghiệm như chủ động liên hệ hoặc thông qua kênh ngoại giao, các nhà sản xuất có uy tín trên thế giới để có thể mua lại test xét nghiệm với số lượng lớn và giá thấp nhất có thể. Cạnh đó, vận động các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước mua kit test chất lượng cao từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới và bán lại cho các địa phương, đơn vị trong nước với giá bằng giá nhà sản xuất bán ra.

Thứ ba: Đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký tạo cạnh tranh giảm giá bằng việc tổng hợp, thường xuyên cập nhật và thực hiện công bố danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế.

Thứ tư: Yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh kit test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu.

Thứ năm: Bộ Y tế mới chỉ tiếp nhận vật tư, sinh phẩm y tế, kit test xét nghiệm nhanh, test Real-time PCR qua các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, chưa mua bất cứ test nào.

Thứ sáu: Bộ Y tế đã thực hiện tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch bệnh.•

 

Ngày 29-9, trao đổi với PV, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: “Giá kit test hiện vẫn thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế vì kit test cho đến nay vẫn chưa phải là mặt hàng bình ổn giá nên cơ quan này vẫn chưa có ý kiến gì.

Bộ Y tế đã trình dự thảo nghị định quản lý trang thiết bị y tế nên cơ quan này cũng sẽ có ý kiến nếu được tham vấn trong quá trình xây dựng nghị định. Về dư luận giá kit test mấy hôm nay, Cục Quản lý giá sẽ lắng nghe và thu thập cơ sở dữ liệu để nghiên cứu, đánh giá riêng”.

 

Giá mua giảm nhưng xét nghiệm dịch vụ vẫn cao

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam TP.HCM, cho biết trước ngày 1-7, bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả chi phí test nhanh và test PCR cho các cơ sở khám chữa bệnh theo khung giá do Bộ Y tế ban hành. Theo đó, với mỗi test nhanh, cơ sở khám chữa bệnh được thanh toán 238.000 đồng và test PCR 734.000 đồng.

Từ sau ngày 1-7, BHXH Việt Nam TP.HCM thanh toán test nhanh theo hóa đơn mua sắm, tổ chức đấu thầu của từng cơ sở y tế, giá test PCR vẫn giữ nguyên 734.000 đồng.

Bà Hằng nhận định giá test nhanh của các đơn vị y tế cũng có thể dao động và bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố, chẳng hạn như tiến độ thanh toán với đơn vị bán hàng. “Giả sử bệnh viện chưa có tiền trả ngay cho đơn vị bán test thì chi phí test tính cả chi phí lãi ngân hàng mà đơn vị bán test chi trả” - bà Hằng nói.

Bà Hằng cho biết BHYT chỉ chi trả những trường hợp theo quy định được BHYT thanh toán như có biểu hiện sốt, ho, sống ở vùng dịch tễ được chỉ định xét nghiệm..., còn việc test tầm soát COVID-19 và test đại trà ngoài cộng đồng thì BHYT không chi trả. Ngoài ra, các trường hợp dương tính với COVID-19 được ngân sách nhà nước chi trả, BHYT cũng không phải chi trả. Theo bà Hằng, thời gian qua, quỹ BHYT không chi trả nhiều các chi phí test.

Mặc dù giá test các đơn vị khám chữa bệnh mua sắm hoặc đấu thầu đã giảm đi đáng kể, chỉ còn 90.000-100.000 đồng, chưa tính các chi phí dịch vụ khác như khấu hao vật tư y tế, công lấy mẫu... nhưng giá test nhanh dịch vụ ở các bệnh viện công và tư tại TP.HCM vẫn còn khá cao, trên 200.000 đồng.

Cụ thể, giá test nhanh dịch vụ ở BV TP Thủ Đức là 350.000 đồng, BV Quân y 175 là 350.000 đồng, BV đa khoa Tâm Anh là 250.000 đồng, BV quận 7 là 238.000 đồng, Viện Y dược học dân tộc là 350.000 đồng.

Nhà ở Bình Dương nhưng chị LTK làm việc ở TP.HCM, mỗi tuần về nhà chị đều phải test nhanh dịch vụ để trình giấy test nhanh âm tính mới được thông chốt. Chị LTK cho biết mỗi lần test nhanh ở Viện Y dược học dân tộc là 350.000 đồng. “Tôi hy vọng các cơ sở khám chữa bệnh nếu mua sắm được kit test giá rẻ hơn thì nên xem xét giảm giá dịch vụ để giúp người dân giảm gánh nặng kinh tế. Đối với người cần phải di chuyển hoặc người bệnh cần phải thường xuyên vào bệnh viện phải test tầm soát COVID-19 thì chi phí cộng lại sẽ rất lớn” - chị LTK mong muốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm