Sáng 10-4, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết có khoảng 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng.
Theo ông Đào Ngọc Dung, đây là số tiền lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, quá trình triển khai khó tránh được sai sót dù nhỏ nhất.
Người bán vé số dạo dự kiến sẽ được hưởng trợ cấp. Ảnh: Báo Giáo dục thời đại
“Nhưng không vì thế mà để những đồng tiền của người dân đi "lạc đường" như câu chuyện những đàn gà, con dê giống, căn nhà tình nghĩa đã xảy ra ở một số nơi, dù rằng đó là rất cá biệt…” - ông Dung nói.
Theo đó, người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo sẽ được nhận hỗ trợ ba tháng và thực hiện chi trả một lần ngay trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5-2020.
Đối với đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ tối đa trong ba tháng, mỗi tháng 1,8 triệu đồng/người, tháng nào bị giảm sâu thu nhập, đủ điều kiện thì hỗ trợ tháng đó.
Về việc cho doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương, doanh nghiệp đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.
Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do), Bộ Lao động sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định một số nhóm và đối tượng. Cụ thể, dự kiến tập trung vào những người bán hàng rong, quà vặt; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác xe đẩy; lái xe máy hai bánh chở khách (xe ôm), xe xích lô; người bán vé số lưu động (không bao gồm các đại lý).
Người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (ngoài các đối tượng kinh doanh tự do được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương xem xét, quyết định và sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác).
“Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định những điều kiện và quy định hết sức chặt chẽ, chống lạm dụng, trục lợi chính sách..” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mức hỗ trợ cho nhóm lao động tự do sẽ là 1 triệu đồng/người/tháng và tối đa không quá ba tháng.
Để đảm bảo công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, ông Đào Ngọc Dung cho rằng danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng sẽ do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm xem xét, phê chuẩn sau khi danh sách này đã được công khai, minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường.
“Phải quy rõ trách nhiệm của từng cấp, nhất là chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm ở địa bàn xã; ở công ty, doanh nghiệp người đứng đầu phải chịu trách nhiệm..." - ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo nguồn tin của PV, để triển khai gói hỗ trợ trên, Bộ LĐ-TB&XH đang thành lập tổ biên tập thông tư hướng dẫn triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thông tư ra đời sẽ giúp công tác triển khai hỗ trợ đúng, trúng đối tượng.
Gói hỗ trợ người dân trị giá 62.000 tỉ đồng Ngày 9-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỉ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc bảy nhóm đối tượng thụ hưởng. Đồng thời nghị quyết cũng quy định một số chính sách khác hỗ trợ người lao động có quan hệ lao động bị ảnh hưởng sâu do dịch COVID-19. Nghị quyết cũng đã giao nhiệm vụ đối với từng ngành, từng cấp nhằm triển khai đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu đặt ra. |