F0 dìu F0: ‘Chúng tôi sẽ cùng mọi người chiến đấu’

Ngày 28-8, hơn 10 giờ đêm, Trần Mai Trọng (23 tuổi, hỗ trợ tại bệnh viện dã chiến thu dung 2, quận 12) vẫn đang cùng bác sĩ đón bệnh nhân mới…

Trở thành chỗ dựa tâm lý cho bệnh nhân

Cuối tháng 7, cả gia đình Trọng đều nhiễm COVID-19. Sau hơn một tuần điều trị tại bệnh viện thu dung quận 12, Trọng khỏi bệnh nhưng anh không về nhà mà tình nguyện ở lại hỗ trợ các y bác sĩ. Anh được bác sĩ hướng dẫn cách thay bình oxy cho bệnh nhân. Hằng ngày, Trọng thức dậy từ 7 giờ để thay bình oxy và giúp đỡ những bệnh nhân trở nặng vệ sinh, giặt đồ.

Trọng tâm sự: "Trong thời gian điều trị, tôi nhận thấy các y, bác sĩ rất vất vả vì phải chăm nom cho nhiều bệnh nhân. Số lượng người bệnh đông mà y, bác sĩ thì không đủ. Nhìn các cô chú vào đây không có người thân bên cạnh cũng tội nghiệp lắm nên tôi quyết nên đã ở lại, quyết tâm giúp các cô chú nhanh hết bệnh".

Anh ngủ lại phòng bệnh với bệnh nhân để tiện chăm sóc. Thấy nhiều bệnh nhân lo lắng sẽ trở nặng, Trọng thường xuyên trò chuyện, động viên để họ vững tâm hơn. Khi được hỏi những ngày qua có thấy mệt không, Trọng cười và nói ngay "Không mệt". Anh chỉ mong số lượng ca tử vong do COVID-19 giảm đến tối đa và các bệnh nhân sớm được trở về với gia đình.

Mai Trọng thay bình oxy và động viên bệnh nhân F0. Ảnh: NVCC

Còn Hà Anh Dũng (18 tuổi) thì đăng ký tham gia tình nguyện tại khu cách ly ở quận Gò Vấp sau khi hoàn thành kỳ thi THPT. Nhóm của Dũng không may trở thành F0 và ở lại điều trị ngay nơi mình đang hỗ trợ. Sau khi khỏi bệnh, Dũng và cả nhóm tiếp tục ở lại chăm sóc, phát cơm, nước uống cho bệnh nhân. Nhóm cũng nhận và xếp phòng cho những người bệnh mới nhập viện, hoặc chuyển bệnh nhân lên dã chiến.

Mỗi ngày, nhóm hỗ trợ các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm, thay bình oxy. Nhóm cũng đo SpO2, nhiệt độ cho tất cả bệnh nhân vào buổi tối để đảm bảo mọi người đều khoẻ. Nếu thấy ai mệt mỏi, nhóm sẽ dẫn họ xuống phòng khám của bác sĩ.

"Với những bệnh nhân F0 lớn tuổi ở phòng cấp cứu, chúng tôi giúp đỡ họ ăn uống và sinh hoạt, thường xuyên động viên để họ tiếp tục chiến đấu. Họ thương chúng tôi lắm nên nhóm luôn có động lực làm việc. Mỗi ngày, nhóm trực một ca 12 tiếng, thay nhau làm việc. Cả nhóm xem nhau như gia đình, nên môi trường và không khí làm việc lúc nào cũng vui vẻ" - Dũng cười.

Trưởng thành hơn sau những lần trải nghiệm

Tuy là lần đầu tiên chăm sóc nhiều bệnh nhân, nhưng cả Dũng và Trọng đều hoàn thành tốt công việc của mình. Niềm vui của cả hai người là thấy nhiều bệnh nhân khỏe hơn và xuất viện.

Mai Trọng trải lòng: "Trước giờ tôi chưa từng chăm sóc người lớn tuổi nhưng sau thời gian hỗ trợ các bác sĩ ở đây, tôi có thể học được cách chăm người lớn tuổi bị bệnh và giúp đỡ nhiều người".

Hà Anh Dũng cũng kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian qua, về một bệnh nhân F0 lớn tuổi phải thở oxy, có tên là Hi Vọng. Những ngày đầu điều trị, ông chán nản, bỏ ăn, chấp nhận buông xuôi. Mỗi ngày, nhóm của Dũng đều thay nhau động viên, giúp ông ăn uống. Với sự nỗ lực của các y bác sĩ và cả nhóm, bệnh nhân đã xuất viện sau hơn 20 ngày chiến đấu.

Dũng tâm sự: "Tôi vừa kết thúc kỳ xét tuyển Đại học không lâu. Lúc đó, bản thân chưa có định hướng sẽ theo ngành nào, chỉ điền nguyện vọng như Quản trị kinh doanh chứ chưa biết mình thích gì. Nhưng qua lần trải nghiệm này, tôi nghĩ đã tìm ra hướng đi cho bản thân. Có lẽ… tôi sẽ sửa nguyện vọng là ngành điều dưỡng".

Dũng và bệnh nhân nhí chữa trị tại khu cách ly. Ảnh: NVCC

Giống như Dũng và Trọng, sau khi khỏi bệnh, Nguyễn Minh Đức (16 tuổi) cũng đăng ký tham gia đội tình nguyện vận chuyển oxy tại quận 4. Đức cùng các thành viên khác trong đội đã kịp thời giúp đỡ nhiều F0 chữa trị tại nhà vượt qua cơn nguy kịch.

Trong đợt xét nghiệm toàn thành phố, một số người thân và bạn bè của ba mẹ Đức có kết quả dương tính. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng và không tiếp cận với công nghệ, nhiều người không biết đến chương trình hỗ trợ oxy. Đức đã hướng dẫn họ liên lạc với chương trình để được cấp oxy miễn phí.

Đức ghé nhà lấy đồ ăn vặt và nước dừa để nạp năng lượng cho đội tình nguyện. Ảnh: NVCC

Kể về câu chuyện của em trai, P.T. (chị gái của Đức) trải lòng: "Lúc đầu, cả nhà hơi lo vì không biết Đức có làm tốt công việc không. Nhưng giờ gia đình đã an tâm phần nào và còn thấy vui vì khi vào đội, Đức gần như thay đổi hoàn toàn. Em tự lập, biết tự sắp xếp công việc và quan tâm đến mọi người, luôn cố gắng giúp đỡ người khác. Cả nhà rất vui vì Đức đã trưởng thành và tự hào về em rất nhiều".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm