Hoa khôi Vầng trăng khuyết lan tỏa cảm hứng đọc sách

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cứ vào mỗi chiều các thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần, những đứa trẻ đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, TP.HCM lại chạy tới hàng me xanh ngút mắt để được nghe đọc sách miễn phí. Có bé còn dán băng gạc ở cổ, bé còn gắn kim truyền ở tay, bé vừa mổ sọ não, có cả bé cái đầu còn xịt thuốc tím ngắt được mẹ bế đến… Người khởi xướng dự án thiện nguyện này chính là hoa khôi Vầng trăng khuyết Thanh Hoa.

Những ngày này Hoa cùng bạn trai bảy năm đang tất bật để chuẩn bị cho lễ báo hỉ tại TP.HCM.

Đọc sách miễn phí tại bệnh viện

Hoa rất thích trẻ con. Hoa nghĩ trẻ con nên hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ, đây là một thói quen tốt. Ý tưởng đọc sách cho những đứa trẻ trong khu trọ chợt tới. Nghĩ là phải làm ngay, cô lên Facebook đăng thông tin xin sách cho tụi nhỏ. Một người đang công tác tại BV Nhi đồng 2 khi biết câu chuyện đã tặng sách với ý nghĩ không chỉ những em bé trong khu nhà trọ của Hoa mà những đứa trẻ đang điều trị tại BV cũng rất cần được nghe đọc sách.

Trong khuôn viên BV Nhi đồng 2 có một hàng me rất đẹp, Hoa chọn đó là “địa bàn” đọc sách lý tưởng nhất. Dự án “Đại sứ đọc BV Nhi đồng 2” nhằm giúp các bé có khoảng thời gian vui vẻ bổ ích và phần nào xoa dịu nỗi đau của các em nhỏ đang điều trị tại đây chính thức ra đời với tên gọi: Câu lạc bộ đọc sách dưới hàng me. Từ nguồn sách sẵn có của tình nguyện viên, Hoa đi xin thêm sách, chọn sách, đăng Facebook tuyển thêm tình nguyện viên (TNV) hỗ trợ, tập huấn cho các TNV cách đọc sách, tương tác với trẻ, lập fanpage…

“Tôi chỉ là người gieo hạt, các TNV mới là người thường xuyên tưới nước, chăm bón cho dự án này. TNV có bạn là học sinh, sinh viên, có người đã đi làm, họ sắp xếp thời gian, công việc để đến đây đọc sách và chơi cùng các bé” - Thanh Hoa chia sẻ.

Những câu chuyện dở khóc dở cười cũng bắt đầu từ đây. Ngày đông thì có mấy chục bé tới, cũng có ngày 5-6 TNV mà chỉ có một bé. Nhưng dù nhiều hay chỉ một bé, các TNV vẫn ở lại chơi và đọc sách cùng bé. “Không ít lần, chúng mình đang đọc sách thì các bé đến giờ đi tiêm, các bé phải chạy về hết trơn. Ban đầu có sách gì đọc sách nấy, nay có nguồn sách nên bọn mình chọn lọc rất kỹ, phù hợp với các bé ở từng độ tuổi khác nhau” - Thanh Hoa cho biết.

Thanh Hoa đọc sách cho trẻ em trong lớp học của cô. Ảnh: NVCC 

Trẻ thích cách dạy của cô Hoa

Ban đầu ở trung tâm lớp đông lắm nhưng sau này chuyển về nhà cô Hoa xa nên còn chừng đó. Trong số các con đang học, có con nhà tận quận 6 xa lắm, vì thích đọc sách, quý cô mà theo tới giờ. Con tôi rất thích cách dạy của cô Hoa, lúc nào cũng chỉ mong cuối tuần để qua nhà cô Hoa đọc sách.

Chị Hoàng Thị Huyền Trang 

Mở lớp đọc sách tại nhà

Nhà Thanh Hoa có bốn chị em nhưng Hoa lại là gánh nặng lớn nhất của cha mẹ vì đôi chân không lành lặn - di chứng của cơn sốt viêm não Nhật Bản khi cô bé mới lên hai tuổi. 

Thay vì chấp nhận nghỉ học, học những nghề thủ công như đan lát để sau này có nghề mưu sinh, Hoa ước mơ tự nuôi sống mình bằng niềm đam mê con chữ. Cô gái xứ Nghệ quyết tâm thi đậu ĐH Sư phạm TP.HCM và tự lo cho bản thân khi vào TP.HCM học bốn năm đại học. Hoa viết báo, viết thơ văn in sách chung, làm gia sư, bán sách…

Hiện tại, cô là chủ fanpage “Úm ba la mở sách ra”, chuyên chia sẻ kinh nghiệm lựa sách cho các bậc phụ huynh. Trang lập trong thời gian chưa phải là dài, lượng theo dõi chỉ khoảng gần 2.000 người nhưng chất lượng những bài viết và số lượng người tương tác lại khiến nhiều người nể phục.

Cô còn mở một lớp học nhỏ cho khoảng tám trẻ vào mỗi cuối tuần. Ban đầu Hoa và người bạn làm chung quyết định thuê văn phòng để mở lớp nhưng rồi vài lý do cô bạn rút lui, một mình Hoa đơn độc với hàng trăm mối lo ngổn ngang. “Mình quyết định trả mặt bằng, mở lớp ngay tại phòng trọ. Mình nói chuyện với các bé và phụ huynh như vậy. May mắn là trò theo cô. Phòng trọ mình nhỏ, chật hơn nhiều nhưng có rất nhiều sách, các bé rất thích” - Hoa cười.

Thanh Hoa hạnh phúc bên bạn trai bảy năm. Ảnh: NVCC 

Trước mỗi buổi học, cô gái nhỏ luôn chuẩn bị sẵn sách và nguyên vật liệu học tập cho các bé. Chẳng hạn mỗi khi đọc xong một cuốn sách, Hoa và các bé sẽ cùng chọn chi tiết, nhân vật trong sách để thực hành: làm thiệp, vẽ, cắt, dán nhân vật. Các bé sẽ được mang sản phẩm về để mỗi lần nhìn sản phẩm, bé sẽ nhớ câu chuyện, nhớ nội dung đã được đọc.

Chị Hoàng Thị Huyền Trang (quận Gò Vấp, phụ huynh của bé Huỳnh Hải Minh) chia sẻ nhà chị có hai bé đang theo học tại lớp học của cô Hoa. Lúc người trợ giảng cùng Thanh Hoa nghỉ, chị Trang lại đang rảnh nên chị đề nghị Hoa cần gì thì chị sẽ giúp đỡ. Nhiều cô giáo sẽ có tâm lý ngại ngần khi có phụ huynh trong lớp nhưng Hoa thì khác. Điều khiến chị bất ngờ nhất là Hoa không trả lời ngay mà quay qua hỏi ý kiến con trai của chị. Chỉ khi cậu bé gật đầu, nhoẻn cười đồng ý, Hoa mới gửi lời cám ơn và nhờ chị hỗ trợ.

“Từ những kiến thức trong sách đọc tại lớp cô Hoa, con nói rất nhiều chuyện cho tôi nghe như: “Mẹ biết không, trong kim loại có lưu huỳnh, kim loại sẽ dễ vỡ trong nhiệt độ lạnh, tàu biển khi gặp băng sẽ rất dễ bị gãy vỡ là vì vậy. Bé em đang học lớp lá thích học cô tới nỗi về năn nỉ mẹ cho con đi học cùng anh Hai” - chị Trang vui vẻ kể.

“Sinh ra trên đời ta chẳng được chọn: mẹ cha, quốc tịch, hình hài!

Chẳng một ai, muốn mình là chú chim không thể hót, hải âu không thể bay, cá voi không thể nghe sóng siêu âm dưới biển kia xanh thẳm

Nhưng nếu ta chìm đắm với sự khác biệt lớn nhỏ bên ngoài ta sẽ mãi mãi để tâm hồn mình ẩn nấp như màn sương mờ che phủ ánh nắng mai

Ta là ai???

Ừ, đúng thế, không có quyền chọn lựa 

Nhưng đừng để bản thân thêm chùn bước nữa

Đột phá để được là mình, được in vào đời một dấu vân tay!” 

Thơ THANH HOA 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm