Miền Trung dang tay đón con em từ TP.HCM trở về

Ngày 16-7, anh Huỳnh Đức Hùng (29 tuổi, quê quán xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã liên hệ với Hội đồng hương (HĐH) Đà Nẵng tại TP.HCM để đăng ký về quê sau khi có chủ trương của UBND TP Đà Nẵng.

Không có tiền thuê trọ, anh Hùng phải ở nhờ trong một ngôi nhà
tại phường 17, quận Bình Thạnh. Ảnh: NVCC

Đi không được, ở không xong

Anh Hùng cho hay do gia cảnh ở quê quá khó khăn, anh phải để lại vợ và con nhỏ để vào TP.HCM bươn chải kiếm sống từ tháng 4-2021. Thế nhưng mới đi phụ sửa chữa hàng điện lạnh được vài ngày thì dịch COVID-19 bùng phát khiến anh Hùng không còn thu nhập.

Không có tiền thuê trọ, anh Hùng phải ở nhờ trong một ngôi nhà tại phường 17, quận Bình Thạnh. “Lúc mới vào TP.HCM mình cũng đi làm đủ nghề, ai kêu gì làm nấy. Tới khi vừa theo được nghề sửa chữa điện lạnh thì ở đây giãn cách xã hội nên thất nghiệp luôn. Mấy bữa nay không có tiền, ai cho gì ăn nấy, vợ con ở quê lo lắng mà không thể về được, nhìn xung quanh ai cũng lo âu vì dịch dữ dội quá. Giờ mình chỉ mong sớm được về quê với vợ con” - anh Hùng chia sẻ.

Chị Lê Thị Thu Trang (28 tuổi, ngụ xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam; thường trú đường số 1, phường Linh Trung, TP Thủ Đức) cho biết nghe thông tin tỉnh nhà có chiến dịch đưa bà con khó khăn từ TP.HCM về quê, chị lập tức đăng ký.

Theo chị Trang, chị làm nhân viên văn phòng, chồng làm thợ xây. Một năm trước, chị nghỉ việc về quê sinh con, chồng ở TP.HCM lo làm ăn. Vợ xa chồng, con xa cha, cả nhà động viên nên vợ chồng quyết đưa con vào TP.HCM sinh sống. “Vô đây định xin việc làm mà trúng dịch bùng phát, con nhỏ không gửi được rồi mắc kẹt luôn trong này. Bây giờ đi cũng không được mà ở cũng không xong, chỉ mong sớm được về quê!” - chị Trang buồn lo lắng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Liễu (39 tuổi, quê xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết nghe tin HĐH kết nối đưa bà con về quê, chị vui mừng gửi thông tin đăng ký về các số điện thoại công bố, hy vọng được sớm về quê. Chị Liễu làm công nhân may, lương tháng chừng 5 triệu đồng. Chồng chị làm thợ xây, công việc bấp bênh, cố gắng lắm hai vợ chồng mới đủ trang trải, nuôi hai con tuổi ăn học. Đầu tháng 2, chồng có chuyện gia đình phải về quê, mình chị bám trụ ở TP.HCM. Nhưng hai tháng qua chị cũng rơi vào cảnh thất nghiệp, khó khăn chực chờ phía trước.

“Bình thường đã khó, nay còn thất nghiệp. Hai vợ chồng định đưa con (chuẩn bị vào lớp 7) về quê học nào ngờ dịch bùng phát, không kịp trở tay. Cả nhà mong sớm được về quê cho con được đi học. Trong này khó quá, cứ lo tới ngày đóng tiền trọ, tiền chi phí hằng tháng” - chị Liễu hy vọng.

Còn Trần Quang Trường Thọ (sinh viên năm cuối Trường ĐH Sài Gòn) mong được về quê hơn bao giờ hết bởi Thọ đang ở tại khu vực phong tỏa, không thể đi làm thêm, chi phí sinh hoạt vô cùng tốn kém. Gia đình Thọ ở quê cũng nằm trong khu vực bị phong tỏa, bố mẹ không thể buôn bán nên tài chính gia đình gặp nhiều khó khăn.

Võ Tấn Phát vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp du lịch và khách sạn Sài Gòn Tourist, quyết định ở lại TP.HCM vì công việc. Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát mạnh, Phát không thể đi làm. Việc đi lại mua thức ăn cũng gặp nhiều khó khăn. Phát cho biết: “Em và bạn cùng phòng đang phải tiết kiệm nhiều khoản sinh hoạt, hạn chế mua đồ. Gia đình cũng mong em sớm về quê để đỡ gánh nặng chi phí”.

Hàng ngàn trường hợp mong mỏi về quê

Theo ông Trần Hùng Phong, Phó Chủ tịch HĐH Đà Nẵng tại TP.HCM, trong ngày đầu tiên phát thông báo, hội đã nhận đăng ký gần 300 người. Hiện HĐH Đà Nẵng tại TP.HCM vẫn đang tiếp nhận thêm các đăng ký của người dân, tiến hành rà soát, thống kê chính xác số lượng.

Trong ngày 16-7, HĐH Đà Nẵng cũng đã làm việc với UBND TP.HCM để xin địa điểm đón tiễn. Khó khăn hiện nay là việc tập trung hàng trăm người lại để lên xe trong khi TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 16. Ngoài ra, người dân muốn lên xe phải có giấy xét nghiệm. Chi phí xét nghiệm RT-PCR khoảng 1,5 triệu đồng/lần, hoặc test nhanh cũng vài trăm ngàn có thể vượt quá khả năng của nhiều người.

Ông Hùng cho hay riêng HĐH huyện Hòa Vang tại TP.HCM đã tiếp nhận quyên góp được 630 triệu đồng. Mỗi công dân về quê sẽ được tặng 500.000 đồng làm lộ phí. Với những hoàn cảnh ngặt nghèo, HĐH Đà Nẵng sẽ xem xét hỗ trợ thêm phí xét nghiệm, các chi phí liên quan đến việc cách ly…

Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, cho hay TP đang lên phương án tiếp đón công dân về từ TP.HCM đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. TP đã bố trí các khách sạn cách ly có thu phí, bảng giá cụ thể cho người dân có nhu cầu, những người còn lại sẽ được đưa vào các khu cách ly tập trung. Ngoài ra, sau khi có chủ trương của UBND TP Đà Nẵng, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đang chuẩn bị kinh phí 500 triệu đồng để hỗ trợ cho HĐH Đà Nẵng tại TP.HCM.

Ông Trần Ngọc Đính, Phó Chủ tịch HĐH Quảng Nam tại TP.HCM, cho biết thông qua HĐH các huyện, hàng ngàn trường hợp đã đăng ký được về quê tránh dịch. Theo ông Đính, tạm tính đến chiều 16-7, đã có khoảng 8.000 người đăng ký xin về quê. Tuy nhiên, tỉnh mới bố trí 10 chuyến xe nên sẽ ưu tiên cho những trường hợp đặc biệt, dần sẽ thu xếp cho nhóm ưu tiên tiếp theo.

“Tỉnh đề nghị sàng lọc theo thứ tự ưu tiên đối với phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, những người cực kỳ khó khăn, đang thiếu thốn thực phẩm, sống lay lắt tại TP.HCM sau đó mới tiếp tục những nhóm trường hợp khác” - ông Đính nói.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn và thống nhất phương án hỗ trợ người Quảng Nam xa quê ở TP.HCM và khu vực phía Nam về quê tránh dịch.

“Tỉnh Quảng Nam hiện không có dịch trong cộng đồng nên bà con khi về phải chấp hành nghiêm túc. Tỉnh sẽ hỗ trợ ăn, ở trong những ngày cách ly, hoàn toàn miễn phí. Huyện nào sẽ tổ chức huyện nấy, nếu huyện không đáp ứng được sẽ bố trí về các xã” - Bí thư Quảng Nam nhắn nhủ.

Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân Khánh Hòa - Sài Gòn kết hợp cùng Tỉnh đoàn Khánh Hòa cũng vừa có thông báo thực hiện chương trình hỗ trợ miễn phí sinh viên về quê. Hiện CLB và Tỉnh đoàn Khánh Hòa đang thu thập thông tin sinh viên Khánh Hòa tại TP.HCM có mong muốn về quê.

Anh Nguyễn Tấn Huy, đại diện Ban tổ chức chương trình Chuyến xe yêu thương dành cho sinh viên Khánh Hòa, cho biết: “Chúng tôi cần nắm được số lượng sinh viên đăng ký đợt 1 để có công tác triển khai chính xác, an toàn. Tỉnh Khánh Hòa ủng hộ việc hỗ trợ sinh viên về quê. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh căng thẳng, mọi việc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện tại, tính Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương và giao Tỉnh đoàn chủ động làm việc cụ thể với Sở Y tế (trong đó Sở Y tế chủ trì cùng Sở GTVT và các ngành, địa phương liên quan) triển khai tiếp nhận, quản lý sinh viên Khánh Hòa về tỉnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Sau khi thống nhất, CLB và Tỉnh đoàn sẽ công bố chính thức kế hoạch cụ thể.•

 

Thừa Thiên-Huế chuẩn bị đón 300 người ở TP.HCM về quê

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết tỉnh này đang lên kế hoạch và sẽ làm việc với ngành đường sắt để xin một chuyến tàu đón công dân từ TP.HCM về quê cách ly.

Miền Trung dang tay đón con em từ TP.HCM trở về ảnh 2
Ga đường sắt Huế, nơi chuẩn bị đón người dân trở về. Ảnh: VNRW

Dự kiến trong đợt đầu, tỉnh sẽ đón khoảng 300 công dân. Sau khi về Huế bà con sẽ được cách ly tại khu cách ly tập trung T5 (ở thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế).

Bà con trở về sẽ được miễn phí hoàn toàn việc đi lại cũng như chi phí ăn ở trong thời gian cách ly. 

Đà Nẵng đề nghị 10 tỉnh, TP phối hợp đưa công dân
từ TP.HCM về

Trong ngày 16-7, UBND TP Đà Nẵng có công văn gửi 10 tỉnh, TP về việc phối hợp đưa người dân từ TP.HCM về Đà Nẵng.

Theo đó, Đà Nẵng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM hỗ trợ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những người đăng ký về Đà Nẵng theo danh sách đề nghị của HĐH Đà Nẵng tại TP.HCM.

UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam tạo điều kiện cho các xe do TP Đà Nẵng tổ chức đưa người dân từ TP.HCM trở về đi qua địa phận được thuận lợi và đảm bảo an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm