Thầy giáo ở nhà thuê, dành đất xây trường, dạy miễn phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chúng tôi tìm đến lớp học của thầy Ngô Văn Khánh (42 tuổi) trên đường Nguyễn An Ninh, TP Dĩ An, Bình Dương vào một chiều cuối tháng 3. Lớp học tại đây khá khang trang, sạch sẽ, được trang bị đầy đủ máy lạnh, camera giám sát, loa, micro.

Mở lớp dạy miễn phí cho cả ngàn học sinh

Trong lớp, thầy Khánh đang cầm bút viết bài tập trên bảng. Thấy học trò bối rối chưa giải được, thầy nhẹ nhàng bước đến kề bên hướng dẫn tận tình.

Lớp của thầy Khánh bắt đầu từ 17 giờ 30 đến 20 giờ 30, chia làm hai ca dạy, đều đặn từ thứ Hai đến thứ Bảy. Từ thời điểm giãn cách xã hội năm ngoái, cuộc sống bị đảo lộn khiến việc học tập của học sinh (HS) bị hạn chế, lúc đó thầy quyết định mở lớp dạy online môn toán cho các em, không thu đồng phí nào. Sau khi mọi thứ trở lại bình thường mới, thầy bắt đầu thuê mặt bằng mở bốn phòng học và giảng dạy miễn phí môn toán.

Các học sinh tại lớp chăm chú nghe thầy Khánh giảng bài. Ảnh: NHẬT DIỄM

Dự kiến nửa tháng sau trường của thầy Khánh sẽ hoàn thiện. Trong kế hoạch tiếp theo, thầy sẽ tiếp tục xây thêm tám phòng học để có không gian hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập của các em. Để đảm bảo chất lượng cho việc giảng dạy, mỗi lớp của thầy Khánh giới hạn không quá 25 HS. 

HS đến đây học là những em các cấp THCS, THPT trên địa bàn. Không phân biệt hoàn cảnh gia đình, bất cứ HS nào muốn củng cố kiến thức đều có thể đăng ký học tại lớp thầy Khánh. Thầy chia sẻ: “Không nhất thiết các em phải khó khăn mới được học, tôi không đặt điều kiện gì cả, tất cả các em đều được hỗ trợ như nhau. Kể cả những em không học tại lớp nhưng muốn hỏi bài online, mình đều sẵn sàng giúp đỡ”.

Từ đó đến nay đã hơn sáu tháng, có hơn 1.000 HS được thầy dìu dắt, hỗ trợ.

Thầy Khánh cho biết sư phạm vốn không phải là ngành mình theo học. Thời sinh viên, muốn nối nghiệp gia đình, thầy học ngành cơ khí ĐH Nông Lâm TP.HCM. Lúc đó để kiếm thêm thu thập trang trải, thầy làm gia sư và cũng kể từ đó, trong tim thầy dấy lên tình yêu đặc biệt với nghề sư phạm.

Suốt 20 năm qua, vừa đảm bảo cho công việc chính, thầy vừa không ngừng trau dồi kiến thức, theo học các khóa nghiệp vụ sư phạm để thực hiện ước mơ giảng dạy của mình. Thầy Khánh tâm sự: “Đúng là nghề chọn mình, tôi đam mê tới nỗi nhiều khi nghỉ tết vài hôm, không được dạy học là trong người đã cảm thấy khó chịu”.

Dành đất xây trường

Thầy Khánh đang xây dựng trường học miễn phí với tám phòng, chia làm hai tầng, trên diện tích 600 m2 trên đường Lê Hồng Phong, TP Dĩ An, Bình Dương. Mảnh đất này và toàn bộ chi phí đầu tư là công sức vợ chồng thầy tích cóp hơn 20 năm qua. Chưa nghĩ đến việc xây nhà cho riêng mình, thầy ưu tiên mở trường dạy học.

Giai đoạn đầu, vợ thầy Khánh không đồng ý, thắc mắc tại sao mình phải làm như vậy khi gia đình đang còn ở nhà thuê. Thầy Khánh phải thuyết phục để vợ thấu hiểu: “Mình sống là phải sẻ chia, cho đi nhiều hơn để cuộc sống được tốt đẹp hơn. Hơn hết, cách mình sống tử tế cũng là cách mình dạy cho con cái sau này phải yêu thương, biết cách sẻ chia, nhường nhịn”.

Chị Minh Ngọc (ngụ phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An), phụ huynh của một HS đang theo học tại lớp thầy Khánh, cho biết: “Dịch bệnh nên công việc của tôi cũng rất khó khăn, không có điều kiện cho con đi học thêm nhiều. May mắn biết đến lớp thầy Khánh nên tôi đưa con đến học. Nếu bình thường học ở ngoài một tháng cũng tốn 1-2 triệu đồng, còn khi cho con học tại đây, tôi đỡ vướng bận chuyện tiền bạc”.

Nhiều HS dù mất gốc môn toán, đến đây tham gia học tập vài hôm sẽ được thầy Khánh hướng dẫn nắm lại kiến thức cơ bản. Một HS mới đăng ký học tại lớp thầy Khánh - em Bạch Thị Thu Hiền (HS lớp 9 Trường THCS Tân Bình, TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết: “Nhờ bạn bè giới thiệu nên em biết tới lớp thầy Khánh, đây cũng là lần đầu tiên em tham gia lớp học miễn phí. Học ở đây em thấy rất là vui, thầy cô rất nhiệt tình, giảng rất dễ hiểu”.

Tâm nguyện dạy miễn phí trọn đời

Khi biết đến mô hình dạy miễn phí của thầy Khánh, có nhiều thầy cô giáo cũng liên hệ tham gia, luân phiên đứng lớp giảng dạy cùng thầy. Để cho việc truyền đạt kiến thức được tốt hơn, thầy còn tăng cường các bạn trợ giảng trong mỗi tiết học. “Các bạn trợ giảng tại đây chủ yếu là các sinh viên. Tôi muốn trả lương để các bạn có thêm thu nhập trang trải cho việc học tập, tuy nhiên đa số các bạn xin được hỗ trợ miễn phí, đóng góp công sức giảng dạy cùng tôi” - thầy Khánh cho biết.

Bạn Trần Nguyễn Đăng Khoa (sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) khi biết đến lớp học của thầy Khánh qua mạng xã hội đã tìm đến và xin trợ giảng. “Khi tìm đến lớp của thầy, được giao lưu, trò chuyện và trải nghiệm thực tế thì đúng là thầy rất thân thiện, hỗ trợ rất tận tâm nên mình xin trợ giảng phụ thầy” - Khoa chia sẻ.

Nhiều người khi thấy thầy Khánh xây trường cũng thắc mắc tại sao thầy không duy trì việc thuê chỗ để dạy học như hiện tại, trong khi mọi thứ vẫn rất tốt. Thầy chia sẻ: “Dự án dạy miễn phí này không phải triển khai vài năm rồi dừng lại. Tâm niệm của tôi là phát triển lớp học miễn phí đến trọn đời, đến khi nào tôi không hỗ trợ được nữa thì thôi”.

Với thầy Khánh, điều khiến thầy trở nên giàu có không phải là vật chất, của cải mà chính là tình cảm yêu thương dành cho học trò mỗi ngày. Thầy chia sẻ hạnh phúc nhất là khi thấy HS mình ngoan hơn, học tiến bộ hơn, khoe với thầy đã đạt điểm cao trong các kỳ thi.

Tự học và cập nhật chương trình giảng dạy liên tục

Để cập nhật chương trình giảng dạy phù hợp, thầy Khánh luôn kết nối, trao đổi với các thầy cô về giáo án trên trường, tìm hiểu thông tin từ các hội nhóm học tập trên mạng xã hội. “Cái khó khăn là tôi không dạy tại trường nên đôi khi bắt nhịp không kịp với chương trình liên tục thay đổi. Vì thế mà mỗi ngày tôi đều phải tự học và tiếp thu thêm kiến thức để làm mới mình. Đến mùa thi, có khi tôi phải thức đến 2-3 giờ sáng để nghiên cứu phương pháp giảng dạy, tìm tài liệu ôn tập cho các em. Nhiều khi dạy mà thấy HS vẫn chưa hiểu sâu bài là bản thân tôi cảm khó chịu lắm, vì thế tôi phải luôn cố gắng nghiên cứu, tìm cách dạy sao cho các em dễ hiểu nhất” thầy Khánh chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm