Việt Nam sẽ đưa vào hoạt động nền tảng quản lý xét nghiệm COVID-19

Ngày 23-7, ông Đặng Tùng Anh, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, cho biết trung tâm đã đưa vào thí nghiệm nền tảng quản lý xét nghiệm COVID-19.

Chiều cùng ngày, nền tảng này đã được thí nghiệm ở phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu.

Theo ông Đặng Tùng Anh, việc ra đời nền tảng nhằm khắc phục những hạn chế của việc xét nghiệm truyền thống đang được triển khai. Cụ thể như công tác xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), các trung tâm y tế thực hiện mất rất nhiều thời gian và công sức của các cán bộ nhập liệu.

Các cán bộ làm nhiệm vụ tại các điểm tiêm chủng. Ảnh: VT

“Việc trả kết quả chậm, dữ liệu nhập vào giữa thông tin phục vụ công tác xét nghiệm chưa có sự thống nhất làm mất thời gian cho cán bộ tiếp nhận trả kết quả, dẫn đến công tác truy vết, tìm kiếm, khoanh vùng chậm, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch” - ông Tùng Anh nói.

Cũng theo ông Đặng Tùng Anh, khi đi vào hoạt động, dữ liệu xét nghiệm sẽ thông suốt giữa các CDC, trung tâm y tế, cán bộ nhập liệu. Dữ liệu từ hệ thống có thể liên thông và gửi cho các hệ thống khác phục vụ truy vết, phục vụ các ứng dụng cần dữ liệu từ xét nghiệm. Nhiều địa phương đã đăng ký triển khai, trung tâm cũng đang hỗ trợ tổ chức đào tạo và thực hiện các bước chuẩn bị.

Hiện nay, rất nhiều công nghệ đã được ứng dụng vào việc phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó có Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC).

Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Nền tảng này đã đi vào vận hành tại 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước và tiếp tục triển khai trên toàn quốc vào thời gian tới, giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện.

Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.

Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc giado Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập, Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các nền tảng, hệ thống công nghệ phòng, chống dịch COVID-19.. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm