Xác định tội danh thế nào với trường hợp mua bán thai nhi?

(PLO)- ThS Nguyễn Văn Tùng (Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao) cho rằng thai nhi không phải là trẻ em nên không phải là đối tượng bị mua bán theo Điều 151 BLHS.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục hội thảo về “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người".

Thai nhi có được coi là trẻ em?

Theo ThS Nguyễn Văn Tùng (Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao), thời gian qua xuất hiện việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ, không chỉ ở trong nước mà còn đưa ra nước ngoài để bán. Đây là hành vi nguy hiểm, trái với đạo đức, gây bức xúc trong xã hội nhưng việc xử lý gặp phải những khó khăn.

Bởi lẽ, theo ThS Tùng, khái niệm thai nhi có được coi là trẻ em hay không chưa được làm rõ. Theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì có thể hiểu thai nhi chưa phải là một con người hoàn chỉnh, chưa có đầy đủ những quyền của trẻ em và chưa được chăm sóc, bảo vệ như đối với trẻ em.

Thượng tá. ThS Bùi Thị Nương (Phó trưởng phòng, Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ công an) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC
Thượng tá. ThS Bùi Thị Nương (Phó trưởng phòng, Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ công an) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Bên cạnh đó, việc có cần thiết phải xử lý đối với những người mẹ đã bán thai nhi trong bụng mình cho người khác hay không và nếu có thì xử lý như thế nào cho phù hợp vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Theo ThS Tùng, Điều 151 BLHS 2015 quy định đối tượng bị mua bán ở đây là đứa trẻ được sinh ra và còn sống. Thai nhi không phải là trẻ em nên việc thỏa thuận mua bán thai nhi có thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục nhưng tại thời điểm được thỏa thuận, thai nhi không phải là đối tượng bị mua bán theo như quy định ở Điều 151 BLHS.

Trường hợp thỏa thuận mua bán thai nhi trước khi người phụ nữ mang thai, nếu sau đó, người phụ nữ sinh con và đứa trẻ được giao cho người mua thì xem xét trách nhiệm hình sự của người bán và người mua về tội mua bán người dưới 16 tuổi vì thời điểm này đối tượng bị mua bán là đứa trẻ chứ không phải là thai nhi.

Nếu sau khi thỏa thuận, người phụ nữ không mang thai và thỏa thuận không được thực hiện thì không đặt ra vấn đề xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người đã tham gia thỏa thuận (việc mua bán không được thực hiện, không có đối tượng bị xâm hại).

Chưa có trường hợp nào kết án oan

Tại hội thảo, thượng tá - ThS Bùi Thị Nương (Phó trưởng phòng, Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ công an) cho biết theo kết quả tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, từ khi luật có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2012) đến ngày 15-2-2023, tổng số vụ án về mua bán người bị khởi tố 1.744 vụ với 3.059 bị can.

Các vụ án về mua bán người đều được VKS kiểm sát theo đúng quy định, đạt tỉ lệ 100%. Trong đó, không có vụ nào tòa án xét xử bị cáo về khoản khác vụ án trong cùng điều luật và tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh VKS truy tố.

TAND các cấp đã giải quyết, xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo. Trong số 3.137 bị cáo bị đưa ra xét xử, số người bị kết án về tội mua bán người chiếm tỉ lệ gần 70%, các tội danh khác chiếm hơn 30%.

Hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo phạm tội về cơ bản đảm bảo nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Theo thượng tá ThS Bùi Thị Nương, trong thời gian qua, chưa phát hiện có trường hợp nào kết án oan người không có tội, các trường hợp tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật và được VKS chấp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm