Ngày nay các nhà tuyển dụng săn đầu người cho những vị trí quan trọng cũng thường yêu cầu người xin việc cung cấp nick Facebook cho họ kiểm tra. Qua cách viết Stt, chụp hình, comment ...họ có thể đánh giá đạo đức, tính cách và năng lực của người đó.
Tác giả trong một buổi chụp hình cho một chương trình của mình. Ảnh: FBNV
Hôm 30 Tết. tôi đi dạo ra quận 1. Đứng trước một tòa nhà đẹp, tôi nổi hứng muốn chụp tấm hình, bèn vẫy tay một cậu bé khoảng 8 tuổi đang đứng gần đó chờ người thân đón nhờ chụp dùm tấm hình. Nhìn cách cậu bé cầm máy canh bố cục, ánh sáng là tôi biết cậu bé này có kiến thức và thẩm mỹ về nhiếp ảnh. Thấy bé không biết nói tiếng Việt. Tôi hỏi bằng tiếng Anh, thì cậu bé nói ở Hàn Quốc.
Tôi thường gặp nhiều người lớn hay nói câu: Thôi kỳ lắm, ngại lắm ạ. Em xấu lắm, đừng chụp. Em hát dỡ ẹc à, thôi không đi hát đâu...
Ngày Tết, tôi có dịp quan sát nhiều hình ảnh mọi người đi chơi và tải hình lên facebook. Tôi càng tiếc ngẩn tiếc ngơ vì những tấm hình chụp bị lỗi. Lỗi từ cách tạo dáng, bố cục, ngôn ngữ cơ thể, đường nét, sự tương phản... Ví dụ cảnh Đường Hoa Nguyễn Huệ. Có quá nhiều người chụp ở đây để kỷ niệm năm mới. Nhưng hầu hết là 100 người cũng đứng ở bồn hoa đó, con gà đó nhưng với tư thế tạo dáng nhàm chán, trang phục không phù hợp, kỹ thuật chụp kém...
Tôi càng ngạc nhiên hơn khi làm một cuộc phỏng vấn với những người tôi quen biết. Đối với bộ môn chụp hình, gần như là đang ở trình độ xóa mù. Trong khi nhu cầu chụp hình tải facebook là rất lớn?
Có bao nhiêu phụ huynh dạy con biết chụp hình? Hoặc khuyến khích con tìm hiểu bộ môn này? Dám mua máy chụp hình (máy cơ) cho con tập sử dụng? Có quá nhiều bộ môn thú vị để con có thể tránh xa Game?
Có một lần, tội làm một chương trình ca nhạc hoành tráng. Vì tiếc tiền thuê thợ chụp hình mà cô bạn tôi nhờ chụp hình khiến tiêu tan hết hình ảnh. Khi coi lại hình ảnh, tôi không khỏi khóc thầm. Sự kiện qua đi rồi làm sao mà chụp lại?
Sau này rút kinh nghiệm, tôi có riêng một người bạn chuyên chụp ảnh sự kiện cho mình. Hình ảnh nó cũng là bản lý lịch của mình. Nó là bằng chứng mình đã làm được gì trong quá khứ? Nó còn có sức lan tỏa, thông điệp tốt đến mọi người khi mình thể hiện tốt từ nụ cười, ánh mắt, hành động mà chỉ cần nhìn vào hình. Người nhìn cũng thấy muốn yêu người, yêu đời, vui vẻ ...
Đó là lý do vì sao tất cả những người nổi tiếng họ có những bức ảnh từ tuổi ấu thơ, học sinh tuyệt vời ấn tượng và họ có riêng 1 ê kíp chụp hình cho họ.
Vì sao bạn không dám nổi tiếng? Nổi tiếng đâu có nghĩa là phải đẹp như người mẫu, học giỏi như Giáo sư Ngô Bảo Châu? Nổi tiếng cũng không có nghĩa là bạn sống thu mình lại, trốn tránh rồi người ta phải đi tìm ra bạn?
Giữa thời buổi ai cũng bận rộn. Đừng bắt người khác phải đoán mò, phải phát hiện ra bạn mà hãy tự tin thể hiện, hãy PR thương hiệu cá nhân bằng cách nổ lực làm việc tốt, làm tốt thì cứ mạnh dạn khoe và nhớ là phải chụp hình lại.
Và phải biết chụp hình hay có kiến thức về chụp hình đấy nhé.