Xe giường nằm cùng quy chuẩn xe ghế ngồi

“Không nhất thiết phải xây dựng một bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho xe giường nằm. Xe này được áp dụng theo bộ quy chuẩn 09/2011 và sẽ được thay thế bằng quy chuẩn 09/2015 từ ngày 1-7. Trong bộ quy chuẩn mới đã bổ sung những tiêu chuẩn phù hợp với kết cấu, điều kiện hoạt động của xe giường nằm nhằm tăng độ an toàn”. Ngày 23-5, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết khi được đề cập đến vụ tai nạn thương tâm giữa hai xe khách giường nằm thì quy chuẩn cho loại xe này có phù hợp với thực tế không.

Không có quy chuẩn riêng

Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết các xe giường nằm đang khai thác hiện nay là loại xe được sản xuất trên nền tảng xe ghế ngồi và lắp hai tầng giường nằm.

 “Các xe giường nằm đang áp dụng theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 09/2011/BGTVT chung cho các loại ô tô. Như vậy, xe giường nằm vẫn theo quy chuẩn và được cơ quan đăng kiểm kiểm soát chặt. Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ kiểm tra, phê duyệt, thiết kế, kiểm tra thực tế trên xe mẫu và giám sát xuất xưởng trong giai đoạn đầu đến khi đã ổn định mới giao cho các đơn vị sản xuất trong nước tự giám sát. Trường hợp xe nhập khẩu thì cũng phải theo các thiết kế đã được các cơ quan quản lý nước sở tại kiểm tra, phê duyệt” - vị này nói.

Theo quy chuẩn 09, xe khách có kích thước bao ngoài của dài, rộng và cao lần lượt không quá 12.180 mm, 2.500 mm và 3.700 mm. Về nội thất bên trong, chủ yếu là ghế và giường nằm tùy với các loại ba chỗ ngồi, 43 chỗ nằm hoặc có loại hai chỗ ngồi, 38 chỗ nằm… Dựa trên quy chuẩn này nhiều hãng đã kéo ngắn chiều dài, hạ thấp chiều cao của xe để độ an toàn của xe tăng lên.

Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đang kiểm tra một xe giường nằm. Ảnh: MP

Kiểm tra theo xác suất

Như vậy, xe khách giường nằm sẽ được kiểm định như xe khách thông thường mới được phép hoạt động. Một trong những nội dung quan trọng của việc kiểm định là xem số giường nằm trên xe có đúng thiết kế không. Ngoài ra, cơ quan kiểm định còn kiểm kỹ trên xe có trang bị dây đai an toàn, cửa thoát hiểm khẩn cấp, búa thoát hiểm, bình chữa cháy…

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, còn cho biết các loại xe khách, trong đó có cả xe khách giường nằm trước khi xuất bến sẽ được kiểm tra kỹ về người lái (bằng lái có phù hợp không, lái xe có sử dụng rượu bia trước khi lái xe không). Cạnh đó, bến xe cũng kiểm tra các trang thiết bị kỹ thuật cứu nạn trên xe (búa thoát hiểm, bình chữa cháy) và các giấy tờ liên quan (giấy chứng nhận đăng kiểm còn hạn, giấy bảo hiểm)… “Tuy nhiên, việc kiểm tra của bến xe là theo xác suất, trong cả ngàn xe xuất bến mỗi ngày thì có thể chỉ kiểm tra khoảng 150-200 xe thôi” - ông Hải cho biết.

Một cán bộ Phòng Quản lý Vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết theo quy định, các xe khách trước khi xuất bến thì phụ xe, tiếp viên phải hướng dẫn cho hành khách cách cài, mở dây an toàn, cách sử dụng búa thoát hiểm, kỹ năng thoát ra ngoài từ các cửa thoát hiểm khẩn cấp, qua cửa sổ, cửa hông hoặc cửa sau… Một số hãng xe còn chiếu các đoạn clip về cách sử dụng thiết bị và cách thoát hiểm nhưng thực tế nhiều xe lơ là. “Để giám sát thì cần gắn camera trên xe và truyền dữ liệu về Sở GTVT hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam” - vị cán bộ này nói.

Không nên sản xuất thêm xe hai tầng

Xe khách giường nằm hai tầng có chiều cao trọng tâm cao. Do vậy, xe dễ bị lật đổ khi tăng tốc lên dốc, xuống dốc thắng gấp, khi quay vòng gấp, đặc biệt khi quay vòng trên đường dốc quanh co.

Trung Quốc đã cấm sản xuất xe loại xe này từ năm 2012 và hầu hết các nước trên thế giới đã không sản xuất, sử dụng loại xe này nữa. Quan điểm của tôi là không nên sản xuất xe khách hai tầng nữa. Đối với những xe đang có thì nên khống chế phạm vi hoạt động ở những nơi không có đồi dốc nhiều.

PGS-TS NGUYỄN HỮU HƯỜNG, bộ môn ô tô, khoa Cơ khí, ĐH GTVT TP.HCM

Xe khách giường nằm bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có khoảng 5.000 chiếc đang hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm