Xét xử vụ chuyến bay giải cứu: Doanh nghiệp nói bị ép vào thế phải đưa hối lộ

(PLO)- Bị cáo Trần Thị Mai Xa (Công ty Masterlife) nói doanh nghiệp khi xin cấp phép chuyến bay phụ thuộc vào cơ quan ban ngành, cán bộ thì gợi ý cảm ơn nên buộc phải đưa hối lộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-7, HĐXX vụ án chuyến bay giải cứu tiếp tục nghe các bị cáo và các luật sư (LS) nhóm tội đưa hối lộ trình bày quan điểm bào chữa.

Cán bộ gợi ý nên làm theo cơ chế cảm ơn

Trong vụ án này, bị cáo Trần Thị Mai Xa (Công ty Masterlife) bị đưa ra xét xử với cáo buộc 19 lần đưa hối lộ hơn 8 tỉ đồng cho tám cá nhân có thẩm quyền để được cấp phép 18 chuyến bay. Bị cáo bị đề nghị mức án 4-5 năm tù.

Bào chữa cho bị cáo Xa, LS Hà Văn San nói rằng bị cáo Xa ở trong hoàn cảnh bị bắt buộc phải đưa hối lộ. Khi tổ chức chuyến bay, doanh nghiệp (DN) phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện như thuê và đặt cọc máy bay, khách sạn… trước khi được cấp phép.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa (Công ty Masterlife) tự bào chữa trước tòa. Ảnh: CTV

Bị cáo Trần Thị Mai Xa (Công ty Masterlife) tự bào chữa trước tòa. Ảnh: CTV

Khi chuyến bay không được phê duyệt, bị cáo Xa đã phải bồi thường thiệt hại 1,5 tỉ đồng và phải bán nhà. Đến chuyến bay sau, khi sát ngày bay mà chưa được cấp phép, bị cáo Xa cũng như nhiều bị cáo nhóm DN đã phải chi tiền. Những chuyến bay sau đó, việc đưa tiền trở thành thông lệ.

“Nhóm bị cáo khối DN phải đưa hối lộ là tình huống bị ép buộc, không thể khác hơn” - LS San nói.

Với quan điểm bào chữa như trên, LS đề nghị HĐXX cho bị cáo Xa được hưởng tình tiết phạm tội trong trường hợp bị ép buộc, không tự nguyện. Ngoài ra, LS cũng đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ khác.

Tự bào chữa, bị cáo Xa trình bày về hoàn cảnh bị buộc phải đưa hối lộ. Vào tháng 6-2021, bị cáo đã nộp hồ sơ xin cấp phép nhưng sát ngày bay dự kiến vẫn chưa được chấp thuận bay, bị cáo rất sốt ruột.

Bị cáo Xa đã gọi điện thoại lên phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự) thì được trả lời có chút vướng mắc bên Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và nói bị cáo sang bên đó xem thế nào.

Khi bị cáo Xa liên hệ với Cục Xuất nhập cảnh thì được bị cáo Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Xuất nhập cảnh) nói rằng “sếp không biết công ty của em là ai cả. Thôi để giải quyết nhanh, em nên làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì khó lắm”.

“Vì bị cáo là người phụ thuộc vào cơ quan ban ngành, bị cáo phải tìm mọi cách đi xoay tiền”, “Lần đầu đã bị ép phải đưa rồi, lần sau cứ thế phải đưa thôi, như một thông lệ” - bị cáo Xa nói.

Bị cáo Xa nói rằng bản thân cảm thấy rất xót xa. Trên những chuyến bay, có chuyến khoảng 250 chỗ thì có 10 hũ tro cốt được mang về.

“Bị cáo hỏi anh Cường, anh Tuấn (bị cáo Vũ Sỹ Cường, Vũ Anh Tuấn, cùng là cán bộ Cục Xuất nhập cảnh) tại sao lại không cấp phép thì được trả lời “chưa có sự cấp thiết”” - bị cáo Xa kể lại trong nghẹn ngào và cho biết rất ấm ức: “Nếu mỗi chuyến bay như vậy lên tới vài ba chục hũ tro cốt thì có cấp thiết hay không?”, “Bị cáo thấy rất ấm ức. Dù các anh nhận lỗi lầm nhưng trong lòng bị cáo vẫn rất trách”.

Chồng kéo vợ vào con đường phạm tội

Cũng tại tòa, thực hiện quyền tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury) xin cho bị cáo Nguyễn Thùy Dương được ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ của cha mẹ với các con và làm nghĩa vụ của người con với cha mẹ…

“Có thể nói bị cáo đã sai khiến Dương làm theo sự chỉ đạo của bị cáo. Bị cáo Dương lệ thuộc hoàn toàn về công việc, tài chính, tình cảm vào bị cáo. Khi dịch bệnh, bị cáo Dương đang nuôi con nhỏ một tuổi, chính bị cáo đẩy vợ, dù là vô tình, vào con đường phạm tội” - bị cáo Mạnh nhận trách nhiệm.

Cáo trạng thể hiện hai bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh và Vũ Thùy Dương đều có tình trạng hôn nhân là đã ly hôn. Hai bị cáo này sống chung với nhau, không đăng ký kết hôn nhưng có một con chung. Tại tòa, các bị cáo gọi nhau là vợ/chồng, LS khi bào chữa cũng gọi các bị cáo là vợ/chồng.

Hai bị cáo đều bị xét xử về tội đưa hối lộ. Bị cáo Mạnh thành lập Công ty cổ phần Du lịch Lữ Hành Việt (Công ty Lữ Hành Việt), giao cho Dương đứng tên làm giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty Lữ Hành Việt chuẩn bị hồ sơ gửi Văn phòng Chính phủ và công văn gửi các hãng hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng không được chấp thuận.

Khoảng tháng 1-2021, Mạnh bàn bạc để Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) giúp xin cấp phép chuyến bay và được chia lợi nhuận. Mạnh chỉ đạo Dương đưa tiền để Kiếm đưa hối lộ các cá nhân có thẩm quyền.

Thấy Kiếm chi tiền quá lớn nên giai đoạn sau, tự Mạnh xin cấp phép và chỉ đạo Dương chuyển tiền hối lộ. VKS xác định Mạnh đưa hối lộ 27,8 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 7-8 năm tù; Dương đưa hối lộ 24 tỉ đồng, bị đề nghị 2-3 năm tù.

Sáng nay, VKS sẽ đối đáp với các luật sư, bị cáo

Sau tám ngày làm việc, phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu đã trải qua phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, xét hỏi. Hiện phiên tòa đang ở giai đoạn tranh luận.

Trong giai đoạn này, đại diện VKS đã đưa ra quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo. Sau đó, HĐXX đã nghe các LS, các bị cáo trình bày các nội dung bào chữa.

Đại diện VKS tại tòa. Ảnh: CTV

Đại diện VKS tại tòa. Ảnh: CTV

Cơ bản các LS và các bị cáo đều thừa nhận hành vi. Nội dung tranh luận tập trung vào làm rõ nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội và đề nghị HĐXX, VKS xem xét các tình tiết giảm nhẹ và xin khoan hồng cho các bị cáo.

Có hai bị cáo không thừa nhận phạm tội gồm Trần Minh Tuấn, giám đốc Công ty Thái Hòa (tội đưa hối lộ) và Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Sáng nay (21-7), HĐXX sẽ nghe VKS đối đáp lại với các LS, bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm