Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Đại diện VKS đang công bố cáo trạng

(PLO)- Chiều 5-3, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đang công bố cáo trạng (dài 160 trang) truy tố bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ Vạn Thịnh Phát. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-3, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Dự kiến phiên xử sẽ kéo dài từ ngày 5-3 đến 29-4.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội: Tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo BLHS 2015 và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo BLHS 1999.

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, làm chủ tọa.

vks.jpg
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đang đọc cáo trạng. Ảnh: SGGP

Trước đó, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, giữ quyền công tố tại tòa có 10 kiểm sát viên thuộc VKSND Tối cao và VKSND TP.HCM, gồm: các ông Cao Anh Đức, Đặng Như Vĩnh, Vũ Mạnh Long, Vũ Tất Ba, Lưu Hoàng Tuấn, Nguyễn Đức Long, Ngô Phạm Việt và Nguyễn Hồng Hiệp; các bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Đặng Thị Hồng Thủy.

Trong buổi sáng, về phía đại diện VKS tham gia phiên tòa đã có sự thay đổi. Cụ thể, kiểm sát viên Lê Trương Hà Linh (kiểm sát viên dự khuyết) thay thế kiểm sát viên Nguyễn Đức Long, do ông Long vừa nhận nhiệm vụ mới.

Về sự thay đổi kiểm sát viên, tại phiên tòa, không ai có ý kiến về sự thay đổi này.

Sau phần làm thủ tục, lúc 14 giờ 30 phút, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa công bố cáo trạng.

Truong My Lan.jpg
Đại diện VKSND tối cao và VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần như tuyệt đối của SCB (91,5% cổ phần). Từ đó, bà Lan và các bị cáo khác đã chi phối, lũng đoạn toàn bộ hoạt động của SCB.

Trong 10 năm liên tiếp (2012-2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với hơn 1.066.000 tỉ đồng.

Đến năm tháng 10-2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay với dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (không có khả năng thu hồi). Bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB hơn 498.000 tỉ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước) 5,2 triệu USD để che giấu thực trạng yếu kém của SCB và không để SCB vào diện kiểm soát đặc biệt…

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Sở TTTT TP.HCM

Theo đại diện lãnh đạo TAND TP.HCM, vụ án này có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Tập trung điều tra, truy tố, xét xử 86 bị cáo trên từ 5-3 đến 29-4. Giai đoạn 2: Điều tra, truy tố, xét xử các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Giai đoạn 1 của vụ án sẽ tập trung xét xử các bị cáo để thu hồi tài sản và làm tiền đề giải quyết cho Giai đoạn 2.

Truong My Lan.jpg
Toàn cảnh phiên xét xử Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước đó, tại phần thủ tục vào sáng cùng ngày, có 79/86 bị cáo có mặt và 2 bị hại có mặt. Vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ trình bày với HĐXX đều có sức khỏe tốt, tinh thần ổn định. Bị cáo Nguyễn Cao Trí trình bày, “rất chủ động hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình cũng đã khắc phục toàn bộ hậu quả, bị đau cột sống”.

Tại tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra nhiều đề nghị và được HĐXX đã giải đáp.

Theo HĐXX, về đề nghị cung cấp giấy bút cho bà Lan để ghi chép, chủ tọa cho biết, đề nghị luật sư cung cấp giấy bút cho bà Lan nếu được lực lượng cảnh sát bảo vệ cho phép.

Truong My Lan
Các luật sư tham gia phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối với đề nghị cho các bị cáo có nhiều bệnh tật được ngồi hay vắng mặt, HĐXX đề nghị các luật sư gửi văn bản và đưa các yêu cầu cụ thể cho từng bị cáo. HĐXX sẽ căn cứ vào từng trường hợp và xem xét. Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí, HĐXX chấp nhận cho bị cáo Trí ngồi để trình bày.

Cạnh đó, chủ tọa yêu cầu tất cả các luật sư phải có mặt, nếu vắng mặt thì coi như tự ý từ bỏ quyền bào chữa. Luật sư muốn vắng mặt phải được sự cho phép của HĐXX, nếu vì lý do khách quan mà luật sư phải vắng mặt ngày hoặc một khoảng thời gian nào đó khi xét xử thì báo để HĐXX xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm