Xin hãy công tâm với giấy phép lái xe​!

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 10-2 nêu đề xuất của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội, về việc cấp điểm cho tài xế và rút ngắn thời hạn của giấy phép lái xe (GPLX) ô tô nhằm kéo giảm tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông.
Đề xuất của trưởng Phòng CSGT Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn, tài xế và cả người dân.
Theo bạn đọc Anh Tuấn, việc quản lý GPLX được Luật Giao thông đường bộ quy định rõ các trường hợp vi phạm bị tịch thu bằng lái có thời hạn. Luật Hình sự đã quy định xử phạt tù và tước GPLX trong các trường hợp vi phạm cụ thể. Chỉ nên áp dụng việc bấm lỗ trên GPLX, bấm 10 lỗ là hủy và đương nhiên phải học và thi lại.
Lý do sức khỏe tài xế suy giảm khi lái xe cũng không được đa số bạn đọc đồng tình. Bạn Nguyễn Văn Tèo đã đặt câu hỏi: "Có thống kê nào cho thấy trên các tai nạn giao thông hiện nay thì có bao nhiêu phần trăm nguyên nhân là do tài xế có sức khỏe yếu?
Theo tôi được biết qua báo chí thì chưa có vụ tai nạn giao thông nào được xác định nguyên nhân do tài xế có sức khỏe yếu. Vậy nếu thực hiện theo đề xuất trên thì có phải chúng ta sẽ bỏ ra một khoảng kinh phí không nhỏ cho việc chưa từng xảy ra?"
Đồng ý với ý kiến của bạn Nguyễn Văn Tèo, bạn Phạm Văn Vũ cho rằng chúng ta nên nghiên cứu cách làm hay của các nước. Thí dụ như các nước châu Âu, họ tính thời gian cấp GPLX như sau: 70 tuổi trở lên chỉ cấp năm năm, 80 tuổi tuổi trở lên chỉ cấp một năm, còn bình thường thì 10 năm.
"Tuổi thọ trung bình của Việt Nam thấp hơn thì có thể giảm xuống cho phù hợp. Không nên áp dụng cách năm năm đổi một lần sẽ mất khoảng lớn về chi phí và công sức người dân và của cơ quan chức năng" - bạn đọc Phạm Văn Vũ nhận định.
Bạn đọc Nguyễn Minh thì cho rằng tai nạn và ùn tắc giao thông thì do nhiều nguyên nhân.
Trước đây đã có ý kiến của một số nhà nghiên cứu nói cho nghỉ lễ, Tết nhiều sẽ gây nhiều tai nạn, ùn tắc giao thông, đánh nhau… Nhưng bản thân tôi thấy năm nay thời gian nghỉ ít hơn nhưng cũng có tình trạng này, có cái không giảm mà còn tăng.
"Các nhà quản lý có biết rằng ngoài thực tế còn rất nhiều tài xế lái xe mà không có GPLX hay không, họ vẫn vô tư chạy khi nắm trong tay hàng chục mạng người. Đến khi có tai nạn xảy ra mới biết tài xế đó không có GPLX hoặc đã bị tước GPLX rồi.
Xin hãy công tâm với GPLX vì nó chỉ là vật vô tri, vô giác. Quan trọng ở đây là ý thức người dân nâng cao, luật pháp xử phải nghiêm minh, công bằng" - bạn đọc Minh bình luận.
Theo ý kiến của bạn Nguyễn Đức Minh, làm một chuyện gì thay đổi phải chứng minh bằng số liệu khoa học cụ thể. Thí dụ muốn nói TNGT tăng là do sức khỏe của người lái không tốt thì phải đưa ra số liệu phần trăm do sức khỏe người lái.
Nếu số phần trăm quá nhỏ so với TNGT của những người khỏe nhưng lái ẩu, đua xe, vượt đèn đỏ, say xỉn, dùng ma túy hay lao động quá sức... thì không nên chú ý vào đó nữa vì chỉ gây ra hao tốn vô ích cho xã hội.

Trong thực tế ta thấy những người lớn tuổi, những người có sức khỏe kém lại chạy xe cẩn thận, rất ít gây tai nạn.

Ở nước ngoài những người chạy xe lâu năm, không gây tai nạn, khi mua bảo hiểm được giảm giá rất nhiều so với người mới mua lần đầu. Ngược lại, những người có tiền sử gây tai nạn phải mua bảo hiểm giá cao gấp đôi người thường. Thế thì tại sao không bắt riêng những người có tiền sử gây tai nạn phải chịu chế độ kiểm tra nghiêm ngặt hơn thì hiệu quả cao mà xã hội không hao tốn chi phí vô lý ?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm