Xới nát quốc lộ rồi… để đó

Cuộc sống đảo lộn do bị chặn lối vào nhà; nguy hiểm rình rập khắp nơi; việc kinh doanh, mua bán đình trệ trong suốt thời gian dài… - đó là thực tế Pháp Luật TP.HCM ghi nhận được khi rong ruổi hàng trăm cây số qua những công trình mở rộng quốc lộ (QL) 1 thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai.

Dân hết đường làm ăn

Các dãy nhà dọc QL1 đoạn qua xã Cát Tân, huyện Phù Cát, Bình Định vốn khá sầm uất nay bỗng trở nên ngổn ngang, xơ xác. Một “giao thông hào” dài hàng trăm mét, rộng 2-4 m, sâu hơn 2 m khiến hàng trăm ngôi nhà không còn đường ra vào. Giữa nắng nóng như thiêu đốt, những đoàn xe chạy qua tung bụi đất mịt mù đến ngộp thở. Phần lớn quán xá, cửa hàng, tiệm sửa xe nơi đây đều đóng cửa im ỉm.

Cả tám miệng ăn của gia đình bà Đoàn Hạnh Đào, xã Cát Tân vốn chỉ trông chờ vào quán cơm bình dân nằm ven QL1. Nay quán phải đóng cửa. “Hai tháng trước họ đào rãnh sâu 3-4 m chạy dọc QL1 rồi để đó, chẳng làm gì tiếp. Cả mấy chục gia đình ở đây điêu đứng vì không còn lối đi, không có chỗ để xe, làm sao buôn bán được nữa” - bà Đào than thở.

Để có lối vào nhà, hàng ngàn gia đình phải dùng gỗ, ván bắc nên những cây cầu chênh vênh. “Lo nhất là mấy cháu trẻ nhỏ, chỉ bất cẩn một chút là rơi ngay xuống hào sâu, bể đầu sứt trán như chơi” - ông Hồ Công Mạnh, ngụ xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, lo lắng.

Trẻ em, người lớn đều phải leo lên leo xuống hố sâu để vào nhà. (Ảnh chụp tại xã Xuân Thọ, thị xã Sông Cầu, (Phú Yên) Ảnh: TẤN LỘC

Những rãnh sâu hơn cả mét nằm ngay cạnh mặt đường QL1 đoạn qua xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên và chỉ được cắm vài cây cọc rất sơ sài. Ảnh: TẤN LỘC

Tương tự, nhiều hộ dân tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cũng bị “cách ly” do rãnh thoát nước phía trước nhà được đào quá sâu, đọng nước rất nguy hiểm. Nhiều người già, trẻ em từ lâu rất ngại ra ngoài do sợ phải đi trên những chiếc cầu khỉ chênh vênh bắc qua hố sâu ngập nước.

Trong khi đó, nhiều gia đình ở phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên phải dùng thang leo xuống rãnh sâu hơn 4 m, sau đó lại leo lên một thang khác mới ra được tới đường. Gia đình bà Bùi Thị Minh, phường Xuân Đài đang bán đổ bán tháo hàng hóa để dẹp luôn cửa hàng tạp hóa. “Hơn ba tháng nay họ đào con mương sâu ngay trước mặt nhà rồi để đó. Người già, trẻ em không thể tự đi ra đường được, xe máy đều phải gửi nơi khác. Khách nào mà chịu leo thang xuống hố rồi leo lên nhà để vào mua hàng” - bà Minh bày tỏ.

“Bẫy” giăng đầy đường

Những người đi đường và giới tài xế đường dài cũng rất lo lắng trước việc thi công QL1 quá chậm chạp. Hiện nhiều đoạn đường qua thị xã An Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định), thị xã Sông Cầu, các huyện Tuy An, Đông Hòa (Phú Yên) đã bị xới tan nát. Những rãnh sâu 3-4 m, dài hàng trăm mét được đào ngay sát quốc lộ khiến người đi xe máy có nguy cơ lao xuống hố sâu bất cứ lúc nào.

“Hình như các nhà thầu nghĩ rằng cả QL1 là một đại công trường, họ được ưu tiên thi công nên người đi đường phải có nhiệm vụ tránh những chỗ thi công. Họ cũng chẳng thèm lắp, dựng biển báo, ban đêm cũng không có đèn cảnh báo” - ông Lê Thành Tài, lái xe khách đường dài, ngụ phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định, bức xúc.

Ông Phạm Đình Phụng, tài xế hãng xe khách Ngọc Hoàng, nói thêm: “Hiện QL1 hết sức ngổn ngang, đầy “bẫy” khiến chúng tôi rất căng thẳng. Nhiều đoạn họ đào rãnh sâu 3-4 m nhưng chỉ dựng vài cái cọc tạm rồi giăng dây nhựa; chỉ cần lệch tay lái một chút là xe lao xuống rãnh ngay. Hình như họ chỉ biết làm phần việc của họ mà quên đi sự an toàn của người khác”.

Tương tự, người dân cùng các tài xế đường dài cũng phản ánh đoạn QL1 qua địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai được thi công rất cẩu thả khiến việc đi lại hết sức khó khăn, TNGT rình rập. Cụ thể, đoạn đường này đã được thi công gần ba tháng nhưng không làm theo phương thức cuốn chiếu mà đào xới khắp nơi. Khi có ô tô tới, hầu hết người đi xe máy phải luồn lách vào những vị trí đang thi công, rất nguy hiểm.

“Khi qua đoạn đường này, tôi luôn phải căng thẳng quan sát, vì sơ sểnh một chút là gây tai nạn ngay. Nhiều khi một đoạn đường ngắn mà ùn tắc hàng giờ mới qua được” - tài xế Nguyễn Duy Hưng, chạy xe tải chở hàng từ miền Trung vào TP.HCM, than thở.

Nhà thầu chẳng sợ địa phương

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh liên quan đều tỏ thái độ không hài lòng với các chủ đầu tư, đơn vị thi công các gói thầu mở rộng QL1. Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, nói: “Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu chỉ được thi công một bên đường, khi xong bên này mới làm tiếp bên còn lại. Tuy nhiên, một số nhà thầu lại cùng lúc cho đào múc cả hai bên đường, tạo rãnh sâu nguy hiểm”.

Còn ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Tỉnh rất bức xúc trước tình trạng các đơn vị thi công mở rộng QL1 gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân. UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư, thuộc Bộ GTVT - PV) và các nhà thầu khẩn trương khắc phục. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nhà thầu chưa tuân thủ”.

Theo ông Trần Châu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định, thời gian qua UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công dứt điểm các đoạn đã bàn giao mặt bằng, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu vẫn không chịu chấn chỉnh.

Được biết đa số chủ đầu tư các gói thầu trong dự án mở rộng QL1 đều trực thuộc Bộ GTVT nên họ chỉ “sợ” lãnh đạo bộ này. “Mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê bình Ban Quản lý dự án Thăng Long, chủ đầu tư dự án mở rộng QL1 đoạn qua Phú Yên. Từ ngày 15-8, Bộ sẽ kiểm tra lại tiến độ, nếu các gói thầu vẫn chậm mà Ban Quản lý dự án Thăng Long không đề xuất cắt, thay nhà thầu thì Bộ sẽ xem xét lại khả năng điều hành của Ban Quản lý dự án Thăng Long. Ban quản lý dự án không xử lý được nhà thầu thì phải thay ban quản lý” - ông Trí cho biết.

T.LỘC - P.NAM - V.NGỌC

Trước đây, tỉnh Phú Yên cứ bị phê bình vì chậm giải phóng mặt bằng để mở rộng QL1. Bây giờ, bàn giao mặt bằng rồi thì họ thi công ì ạch. Thấy đời sống nhân dân bị ảnh hưởng mà xót quá!

Ông PHẠM ĐÌNH CỰ, Chủ tịch  UBND tỉnh Phú Yên

QL1 được thi công quá chậm, không đảm bảo an toàn, nhiều đoạn xây bít cả lối đi vào nhà dân. Tỉnh Bình Thuận sẽ kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tập trung thi công nhanh bởi người dân đã bị “nhốt” trong nhà quá lâu rồi.

Ông NGUYỄN VĂN LY, Trưởng ban Pháp chế HĐND
tỉnh Bình Thuận

Chính quyền địa phương nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng thi công, sửa chữa QL1 cẩu thả, cắt khúc nhiều chỗ gây mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm. UBND huyện Xuân Lộc đã yêu cầu đơn vị thi công sớm khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông, ổn định cuộc sống của người dân.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, Đồng Nai

Chỉ trong hai ngày kiểm tra việc nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn từ Hà Tĩnh đến Huế (ngày 9 và 10-7), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phát hiện hàng loạt sai sót dẫn đến hiện tượng lún, nứt đường. Ông quyết liệt yêu cầu ban quản lý dự án phải sa thải ngay tư vấn giám sát kém chất lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm