Vợ chồng anh Kết vừa tan ca về nhà. Cơm nước xong, chị vào xem tivi cùng các chị em ở xóm, anh Kết ra ngồi xổm trước hàng ba tán gẫu với mấy ông bạn láng giềng.
Lên đời công nhân
Anh đang nói về cuốn sổ bảo hiểm xã hội mà mình mới nhận mấy ngày qua. Bản thân anh không hiểu nó có giá trị gì, nên nhờ các đồng nghiệp giải thích thêm. Anh Thắng - một đồng nghiệp với anh nói: “Cuốn sổ này để dành về hưu lãnh lương, giống cán bộ nhà nước vậy đó”. “Làm gì có, mình có phải cán bộ đâu mà hưu!” - anh Kết cãi. Anh Thắng quả quyết: “Tui hỏi anh Lý giám đốc, ảnh nói vậy đó. Không tin thì mai hỏi ảnh đi”. Những hàng xóm khác cũng chen vào rôm rả. Người bảo được, người thì không nhưng nụ cười ai cũng một vẻ hân hoan, hạnh phúc.
Thấy chúng tôi ghé vào, nhiều ánh mắt tò mò đến lạ. Nhất là mấy đứa trẻ con, cứ thập thò núp ló quan sát. Hóa ra, xóm rác vẫn mang một nỗi buồn cô đơn bao năm qua - nỗi buồn của một xóm cư dân toàn những người khốn khổ. Anh Kết thật thà bảo: “Có khi cả năm không có một người khách đến nhà. Nên mấy nhỏ nó thấy lạ chứ có gì đâu. Mấy chú cứ tự nhiên, vào nhà tôi uống nước nói chuyện chơi”.
Cư dân rác Cà Mau giờ đã là công nhân Nhà máy xử lý rác Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ
Nhấp ngụm nước, anh Kết xúc động: “Đâu có ngờ rồi tui cũng có được cái nhà, còn được làm công nhân, có lương, thưởng nữa chứ”. Chị Lựu, vợ anh Kết, khoe: “Tụi tui vừa mua được cái nồi cơm điện đẹp lắm à nghen!”. Đó là tài sản đầu tiên của vợ chồng chị, nó được mua ngay khi anh chị vừa lãnh tháng lương đầu tiên, hồi sáu tháng trước.
Khi đó, anh chị Kết cùng lãnh lương, gom lại được 5 triệu đồng. Hai vợ chồng thao thức trắng đêm tính toán rồi quyết định trả nợ một ít, dành lại 600.000 đồng đi mua cái nồi cơm điện. Mua về, cả nhà xúm vào sờ mó. Chiều đó, chị nấu một nồi cơm với gạo thơm đãi cả nhà. Xong, chị lau chùi sạch, bỏ vào thùng giấy, cất kỹ trong buồng ngủ. “Không phải sợ nó bị hao mòn mà sợ tốn tiền điện. Điện chia hơi, một ký đến 4.000 đồng, nấu hoài chắc mạt!” - chị Lựu giải thích. Việc này nằm trong toan tính của anh chị, không phải vì sợ rồi chẳng có ai bán nồi cơm điện nữa mà vì để có cái gọi là tài sản. Vì trước đó anh chị chưa từng có tài sản gì ngoài hai đứa con luôn chịu cảnh đói rách.
Những ước mơ
Sự xuất hiện của Nhà máy rác Cà Mau làm xáo trộn hoàn toàn đời sống của xóm rác phường 9, TP Cà Mau. Ông Tô Công Lý, Giám đốc Nhà máy rác Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi ưu tiên tuyển dụng những người dân có thâm niên sống ở bãi rác cũ. Có đến 130 hồ sơ xin việc nhưng chúng tôi chỉ nhận được hơn 60 hồ sơ, do công việc của nhà máy chưa nhiều”.
Công nhân Phạm Kim Ri, 31 tuổi, tâm sự: “Bây giờ em được làm việc trong nhà xưởng, mát mẻ, thoải mái hơn nhiều. Nhớ lại lúc trước, khi còn làm ngoài bãi rác thấy ớn quá!”. Với mức lương 3,7 triệu đồng/tháng, chị Ri đã đưa gia đình mình qua cảnh đói rách. Còn vợ chồng anh Kết giờ mỗi tháng cũng dư được 1 triệu đồng. Đó là sự đổi đời quá lớn không chỉ với gia đình chị Lựu mà còn là với tất cả cư dân rác Cà Mau.
Nhớ lại những ngày sống bám vào bãi rác, kiếm sống theo cách của ruồi nhặng, bấu vào những thứ mà người đời chê bai tanh tưởi, vứt đi, anh Kết bùi ngùi: “Ba tháng đầu khi mới về đây, không ngày nào tôi không nôn ói. Nhiều khi muốn bỏ đi nhưng đi đâu bây giờ”. Nơi anh đã rời bỏ để về bãi rác Cà Mau kiếm sống là vùng rừng đước Ngọc Hiển, Cà Mau. Ở đó, gia đình anh đã có những năm tháng dữ dội với cuộc mưu sinh toàn bằng những việc phạm pháp. “Lên rừng đốn cây thì bị kiểm lâm đuổi bắt, ra mé biển mò cua, bắt cá thì bị bảo vệ nguồn lợi thủy sản phạt tiền, tịch thu phương tiện. Sau mấy lần bị bắt hụt, tôi hoảng quá, rủ vợ về đây sống” - anh Kết kể tiếp. Không biết lấy một chữ, anh Kết nghĩ đời mình sẽ mãi vùi vào bãi rác, đâu ngờ…
Tiễn chúng tôi ra về, anh Kết và mọi người nhắn nhủ rằng nhờ Nhà nước giúp đỡ một đường dây hạ thế cho xóm rác. “Bây giờ tụi tui bắt đầu có tivi, đầu đĩa, có tiền trả tiền điện rồi. Nếu có đường điện hạ thế, có đồng hồ điện, bà con ở đây sẽ sắm sửa đồ đạc nhiều lên!” - anh Thắng nói với theo. Xem ra cư dân xóm rác đã bắt đầu có những niềm mơ ước. Khác với trước họ chỉ biết một việc là làm sao để no cái bụng…
Xóm rác phường 9, TP Cà Mau là một xóm dân cư nổi tiếng bởi sự nghèo khó, khốn khổ. Từ mấy mươi năm trước, khi thị xã Cà Mau chọn khu vực phường 9 làm bãi tập trung rác, những “cư dân rác” đầu tiên đã xuất hiện và ngày một đông đảo lên. Đến những năm 2006, 2007, số lượng “cư dân rác” nơi đây lên đến vài trăm người. Nói đến những cư dân rác ở bãi rác phường 9, người ta nghĩ đến những con người cả đời lem luốc, bẩn thỉu, làm việc trên rác, ăn trên rác và ngủ cũng trên rác. Họ sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, người lớn không có khách, trẻ con cũng chỉ chơi với trẻ con trong xóm mình. Năm 2008, TP Cà Mau xây dựng một dãy nhà tình thương 70 căn cho các “cư dân rác”, nằm bên cạnh bãi rác Cà Mau. Đầu năm 2012, Nhà máy rác Cà Mau đưa vào hoạt động, những cư dân rác bắt đầu trở thành công nhân. Phần lớn cư dân rác đã có công việc ổn định, làm việc đúng 8 tiếng/ngày, có lương, thưởng, phụ cấp độc hại… |
TRẦN VŨ