Xử phạt thế nào nếu cá nhân kinh doanh, bán lẻ rượu tự nấu không phép?

(PLO)- Cá nhân không được quyền kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu. Người vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng đối với hành vi “kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình trạng tự nấu rượu rồi buôn bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa, quán ăn… càng ngày càng phổ biến. Điều đáng nói là trên những sản phẩm không dán nhãn mác, không rõ nguồn gốc do hầu hết rượu được mua từ các lò nấu thủ công.

Rượu nấu thủ công để bán lẻ cho các quán ăn ngày càng phổ biến. Ảnh: HQ

Rượu nấu thủ công để bán lẻ cho các quán ăn ngày càng phổ biến. Ảnh: HQ

Kinh doanh rượu phải có điều kiện

Rượu thuộc mặt hàng bị hạn chế kinh doanh, nên việc buôn bán rượu, phân phối rượu, bán rượu lẻ, phải đáp ứng điều kiện pháp luật quy định.

Luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Theo Nghị định 105/2017 và Nghị định 17/2020 thì kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đối với thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện;

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

Theo Nghị định 105/2017 thì chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật mới được phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và bán lẻ rượu. Việc sản xuất, bán lẻ này phải bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định, có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.

Đối với điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ thì rượu đó phải được cung cấp bởi thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu. Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định.

“Cá nhân không được quyền sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu. Người vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng đối với hành vi “kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định” quy định tại Điều 6 Nghị định 98/2020, đồng thời người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”- Luật sư Lê Văn Hoan chia sẻ.

Kiểm tra cơ sở nấu rượu thủ công

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu do sử dụng rượu có chứa methanol, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Do đó, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác an toàn thực thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn.

Theo đó, từ ngày 15-8 đến hết năm 2022 TP.HCM sẽ bắt đầu kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công, cơ sở kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn quy mô nhỏ, lẻ, hộ kinh doanh cá thể, những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ, lẻ, hộ kinh doanh cá thể có bán rượu, bia, đồ uống có cồn tiêu dùng tại chỗ...

Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn sẽ thực hiện lấy mẫu rượu, bia, đồ uống có cồn, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định. Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo ATTP và xử lý nghiêm khi có vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm