Tuy nhiên, giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu tạo ra thấp do các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, xuất khẩu chủ yếu qua các bên trung gian. Đây là một trong những nội dung đánh giá được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo quốc gia “Đánh giá tiềm năng xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30-7 tại Hà Nội.
Đại diện Bộ Công Thương chứng minh: Mặt hàng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 1,1 tỉ USD năm 2013 nhưng 85% xuất sang Trung Quốc. Hay như cà phê, vốn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam nhưng chất lượng còn thấp, chưa có thương hiệu và các nhà xuất khẩu ở Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng marketing.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng theo các nhóm ngành hàng, tỉ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cao nhưng thực chất lại đang bị các doanh nghiệp FDI chi phối.
Mặt khác, ở các nước đang phát triển, thương mại dịch vụ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng và du lịch. “Trước đây, dịch vụ du lịch truyền thống gồm ba chữ “S”: Shopping (mua sắm), sex (tình cảm), sun (tắm biển) nhưng bây giờ đã đến lúc phải thay đổi. Việt Nam cần tập trung phát triển các hình thức dịch vụ du lịch mới mẻ, đang được ưa chuộng như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh...” - ông Thành nhấn mạnh.
TRÀ PHƯƠNG