Nhà, quán “ngáng”... di tích
Cách cầu Cái Tàu Hạ non cây số về hướng sông Tiền, thật không dễ để khách tìm ra đình Phú Hựu (ĐPH) vì đường làng nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo... Án ngay mặt tiền ĐPH là dãy nhà tạm bợ, nhếch nhác. Toàn bộ phần đất bên hông trái đình được “xác lập chủ quyền” bởi tường rào kiên cố bao quanh... từ nhiều năm nay đã thuộc quyền sử dụng của nhiều hộ dân. Họ cất nhà ở, trồng cây ăn trái, thậm chí còn dựng cả chuồng nuôi gà, vịt và mở quán kinh doanh nước uống, thức ăn... ngay vị trí sát đường làng.
Nhìn bên ngoài, mặt tiền di tích quốc gia đình Phú Hựu như kho lộ thiên chứa phế liệu. |
Đáng nói hơn là sự lấn chiếm này còn giam hãm, “cắt rời” 2 ngôi miếu: Ngũ Hành và Ông Hổ ra khỏi quần thể kiến trúc đã được Bộ VHTTDL công nhận DTQG. Thậm chí, hộ ông Nguyễn Văn Hên còn tận dụng vách “vỏ ca”, nơi dùng làm sân xây chầu hát bội trong những dịp lễ hội, làm vách chắn cho khu vực nấu nướng, ăn, ở... Còn khu vực cổng đình, hướng ra đoạn sông Cái Tàu nối vào sông Tiền gần như là kho lộ thiên của cơ sở thu mua phế liệu.
Những khối sắt thép cũ, hoen gỉ sét được ném xô bồ cùng với căn quán tạm bợ vây quanh hai công trình kiến trúc “bình phong” và “cổng tam quan” như dấu bùn làm hoen ố bức tranh trang nghiêm, tín ngưỡng vàbứctửkhuvực1củaditích. Khu vực 1 (trên 6.000m2) hiện có hàng chục hộ sinh sống. Chính xác hơn, ông Nguyễn Minh Tiếng - Chủ tịch UBND thị trấn Cái Tàu Hạ, Trưởng ban Quản lý di tích ĐPH - khẳng định: “Hiện có trên 70 hộ dân xây nhà cửa tại khu vực 1 và khu vực 2 với nhiều mốc thời gian khác nhau”.
Lấy di tích “hích” công nghiệp
Không chỉ có người dân xâm chiếm di tích vì sinh kế cá nhân, mà cơ quan nhà nước cũng “xẻ thịt” đất trong phạm di tích ĐPH để phục vụ phát triển công nghiệp. Năm 2008, chính quyền địa phương đã thu hồi quyền sử dụng 164.945,6m2 của nhiều tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án mở rộng Cụm công nghiệp thị trấn Cái Tàu Hạ - An Nhơn, huyện Châu Thành. Danh sách thu hồi đất kèm theo quyết định này ghi rõ: Thu hồi 2 thửa đất tín ngưỡng số 1 và 3 của ĐPH
Với tổng diện tích 5.278,6m2. Theo QĐ số 491/QĐ-UBND- HC ngày 5.5.2009 của UBND tỉnh Đồng Tháp, tổng mức bồi thường, hỗ trợ là 636.447.000 đồng. Tuy nhiên dù sau đó Ban Bồi thường - Hỗ trợ - Tái định cư huyện Châu Thành đã bồi hoàn và di dời nhiều căn nhà trong phạm vi này, chỉ duy nhất có phần đất của ĐPH là không có người đại diện (Ban Tế tự) đến nhận.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp - Phó Ban Quản lý di tích ĐPH - bày tỏ: “Do xác định đây là đất nằm trong khu vực 2 của di tích, có quan hệ trực tiếp với yếu tố gốc, cần được bảo vệ, nên đại diện Ban Tế tự cương quyết không nhận tiền...”. Trong khi đó, nhiều đơn vị chức năng huyện Châu Thành lại nôn nóng bất thường. Biên bản cuộc họp Ban Tế tự đình Phú Hựu ngày 14.10.2013 thể hiện: Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Minh Tiếng đề nghị: Nếu Ban Tế tự không đồng ý nhận tiền thì giao cho BQL di tích ĐPH nhận. Được biết, ông Tiếng chính là Trưởng BQL di tích này.
Theo LỤC TÙNG (Lao Động)