ThS giáo dục Phạm Phúc Thịnh tại Công ty Tư vấn Nhịp cầu hạnh phúc (TP.HCM) cho rằng không chỉ các em ở vùng sâu, vùng xa mà ngay các em ở đô thị còn rất mù mờ kiến thức giới tính và luật pháp. Với nhiều em, tình dục là chuyện rất bình thường nhưng các em lại không hiểu gì về những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Như thế nào là dâm ô, hiếp dâm, cưỡng dâm; hình phạt dành cho những hành vi này là gì, lứa tuổi nào chịu trách nhiệm về những hình phạt đó… Đó là những nội dung quan trọng nhưng chưa được phụ huynh và nhà trường đề cập, thậm chí bản thân người lớn cũng không biết thì làm sao tránh được những chuyện đau lòng xảy ra với con trẻ.
Phụ huynh: Mù mờ
Theo ThS xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính TP) thì phụ huynh phải có trách nhiệm trước hết trong chuyện dạy con trẻ hiểu biết vấn đề giới tính nhưng nhiều phụ huynh còn phó mặc cho nhà trường chứ chưa thực sự quan tâm chuyện này. Phụ huynh chỉ biết sợ con yêu đương lăng nhăng, rồi cấm đoán mà không kiểm soát được con. Chúng ta đừng hy vọng các em biết giữ gìn mình vì không thể lường hết được những gì xảy đến với trẻ. Nhiều phụ huynh hiện nay chỉ biết quản chặt con, đưa đón con đến trường dù cho trường rất gần nhà mà quên dạy con những kỹ năng tự lập. Điều đó sẽ khiến đứa trẻ không đề kháng được những cái xấu sẽ xảy ra.
BS Nguyễn Lan Hải, chuyên gia về tình dục học, cũng nhấn mạnh rằng cha mẹ phải học hỏi không kém gì con cái vì kiến thức về giáo dục giới tính và pháp luật liên quan của nhiều phụ huynh hiện nay rất ít ỏi.
ThS Phạm Thị Thúy cho rằng chúng ta phải thay đổi cách giáo dục giới tính cho học sinh. Nội dung không nên áp đặt đạo đức của người lớn để yêu cầu trẻ phải thế này hay thế khác. Giáo dục giới tính là phải giúp các em hiểu biết về giới, hiểu cái đẹp trong tình yêu và tình dục, biết trân trọng giá trị bản thân.
Nhà trường: Một lỗ hổng thăm thẳm
Khi nhìn vào tài liệu giáo dục giới tính ở các trường, BS Nguyễn Lan Hải thẳng thắn: “Chúng tôi đau lòng khi thấy một lỗ hổng thăm thẳm, đụng mỗi nội dung một chút, lâu lâu có bài về bộ phận cơ thể, đề cập một chút về bệnh tật ở lớp 8; vệ sinh, luật hôn nhân ở lớp 10… thì không thấm vào đâu, quá ít và lý thuyết. Ngay cả giải pháp của chúng ta chẳng khác nào đang vá tấm lưới thủng, đụng đâu cũng có vấn đề, từ đội ngũ đến nội dung, phương pháp… Chưa kể, cách giáo dục giới tính giữa nhà trường và gia đình có sự chênh nhau rất lớn, thông tin bị rối và nhiễu nên trẻ tiếp nhận hời hợt, nhìn nhận sai lầm về tình dục”.
Bị cáo và bị hại (16 tuổi) trong phiên xử giao cấu với trẻ em tại TAND huyện Tân Phú (Đồng Nai) mới đây. Bị hại trong vụ án nhìn bề ngoài không ai nghĩ em dưới 16 tuổi. Ảnh: NGÂN NGA
Nói về vấn đề này, hiệu phó một trường THCS tại quận 3 than phiền rằng giáo dục giới tính trong nhà trường còn quá hạn chế, chủ yếu là lý thuyết khô khan như tránh thai thế nào, vệ sinh cơ thể như thế nào… Nội dung chủ yếu lồng ghép vào môn sinh học hoặc các hoạt động ngoại khóa. Thầy cô nào trách nhiệm thì nhiệt tình giải thích, tư vấn cho các em, nhất là những em nữ, nếu không thì nhà trường cũng không kiểm soát được.
Vị này nói thêm, cái thiếu lớn nhất trong giáo dục giới tính hiện nay là phương pháp sư phạm truyền tải đến học sinh. Hầu hết các trường làm mỗi nơi một kiểu, giáo viên thích thì dạy còn không thích thì thôi. Trường có tiền thì mời chuyên gia về tư vấn trong giờ sinh hoạt, không thì học sinh học chay qua bảng tin trường hoặc hộp thư tư vấn nên hiệu quả thấp.
“Thông tin thì nhiều nhưng kỹ năng và kiến thức khoa học yếu nên thầy cô mở miệng còn khó, còn đỏ mặt nói gì là giải thích hay khuyên nhủ. Chưa kể thầy cô đang ngày một trẻ hóa nên sẽ khó nói chuyện và thiếu thuyết phục với các em. Sở nên có một mạng lưới những chuyên gia về vấn đề này, mỗi chuyên gia phụ trách cụm trường nào đó để tổ chức nhiều hoạt động và tư vấn cho các em tốt hơn” - hiệu trưởng này góp ý.
PHẠM ANH
Một trường hợp xảy ra tại một trường phổ thông dân lập đa cấp học tại quận Bình Tân được vị hiệu trưởng (xin giấu tên) chia sẻ trong buổi chuyên đề giáo dục giới tính gần đây đã khiến không ít giáo viên, phụ huynh phải suy ngẫm. Chuyện xảy ra với một nữ sinh đang học lớp 7. Một lần, em này nói có anh họ đến thăm và hai người ngồi ở ghế đá nói chuyện bình thường. Khi nhân viên bảo vệ không để ý thì hai em này đã dẫn nhau vào khu nhà vệ sinh của giáo viên để làm “chuyện ấy”. Khi thấy nhiều học sinh bàn tán nhốn nháo như “Tụi nó đang mặc quần!”, “Tụi nó làm xong hết rồi!”… ở khu nhà vệ sinh thì bảo vệ mới tá hỏa chạy đến xem và giật mình phát hiện hai em này đang ở bên trong. Vì hai em không chịu mở cửa, bảo vệ phải báo công an đến can thiệp hai em mới chịu ra ngoài. Sau khi tìm hiểu, nhà trường mới biết người anh đó không phải là anh họ mà là nhân viên của cha em. Việc em đã làm “chuyện ấy” với bạn trai này trong trường không phải là lần đầu mà đã nhiều lần ở quê, chủ yếu do em chủ động tiếp cận và hẹn gặp để hai đứa làm chuyện người lớn. Để hạn chế, gia đình đưa em vào học nội trú ở trường này nhưng chưa được bao lâu thì lại xảy ra chuyện. Vị hiệu trưởng này còn cho biết không chỉ trường hợp này, nhiều học sinh tuổi cấp II, cấp III đã thể hiện sự táo bạo trong vấn đề tình dục, thường thì các em nữ dạn hơn nam. Nhiều em nhìn bên ngoài ngoan hiền, học giỏi nhưng đã rất rành rọt về “chuyện ấy” khiến giáo viên phải sốc. Không ít em nữ biết tạo cơ hội để xảy ra “chuyện ấy”. Tôi mong sao Bộ GD&ĐT đưa vào giảng dạy môn học về Bộ luật Hình sự, trong đó nhấn mạnh những quy định xử phạt đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, cùng với dạy giáo dục giới tính, hãy dạy các cháu biết việc vi phạm này các con sẽ bị xử phạt nặng ra sao, mức án thế nào. Qua đó, các bé trai tự biết bảo vệ mình, các bé gái mới lớn cũng biết chính xác việc yêu thế nào là không khiến bạn mình bị… đi tù mà giảm đi sự chủ động. Bà THANH LIÊN, một phụ huynh có con học lớp 7 |